Du lịch

Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi

Cục Di sản Văn hóa đề xuất tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, kiểm kê di sản để có những định hướng phát huy đúng đắn các giá trị di sản văn hóa trong đời sống xã hội, kiên quyết bài trừ những biểu hiện mê tín dị đoan, lệch lạc, thương mại hóa trong quá trình thực hiện tín ngưỡng.

Ngày 7-12, tại Hưng Yên, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT-DL) phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị - hội thảo "Đánh giá hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017-2022) với sự tham dự của lãnh đạo các sở VH-TT-DL, sở VH-TT, nhà nghiên cứu...

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương thẳng thắn chỉ rõ, sau 5 năm, bên cạnh những mặt tích cực thì việc thực hành, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vẫn để xảy ra những hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản như: tổ chức hầu đồng không đúng không gian tâm linh, ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình du lịch hay ca nhạc đường phố; sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng; có hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng…

Có những tổ chức, cá nhân lợi dụng danh hiệu của di sản để tổ chức các liên hoan, hội nghị, hội thảo, trình diễn di sản và kêu gọi sự đóng góp không dựa trên sự hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể di sản cho các sự kiện này, cũng như việc trao tặng các giấy khen, giấy chứng nhận một cách tùy tiện.

Điều này đã gây ra những xung đột trong cộng đồng chủ thể thực hành di sản và làm suy giảm giá trị, tính thiêng của di sản với tư cách một thực hành văn hóa mang tính chất tín ngưỡng, tâm linh...

Hội nghị - hội thảo "Đánh giá hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Cũng theo Cục Di sản Văn hóa, công tác quản ý nhà nước về di sản này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một số vấn đề bộc lộ rõ nét như: nhận thức của công chúng, cộng đồng và một bộ phận cán bộ về di sản phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt còn hạn chế. Hành lang pháp lý nhằm hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động thực hành di sản còn thiếu và chưa cụ thể.

Đáng chú ý là vấn đề thực hành không đúng nguyên tắc (trang phục, bài bản và các yếu tố khác có liên quan); thực hành không đúng không gian; danh hiệu; các hoạt động giao lưu trình diễn tín ngưỡng ồ ạt, tùy tiện; xuất hiện một số tổ chức tham gia vào các hoạt động liên quan tới di sản nhưng nặng về tính hình thức, không vì di sản, huy động đóng góp của các thanh đồng vào việc tổ chức thực hành di sản hoặc đóng góp để được tham gia các sự kiện liên quan mang tính nặng tính thương mại.

“Các hoạt động tiêu cực, không đúng nguyên tắc thực hành của di sản dẫn tới những nguy cơ như làm giảm tính thiêng, trần tục hóa tín ngưỡng, lãng phí tiền và một số tiêu cực xã hội khác, gây ra xung đột giữa các bản hội và cá nhân người thực hành di sản...”, đại diện Cục Di sản Văn hóa khẳng định.

Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu để trục lợi. Ảnh minh họa

Trên cơ sở thực trạng nói trên, Cục Di sản Văn hóa cũng nêu các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Theo đó, các giải pháp được đề cập gồm: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn hoạt động quản lý, thực hành di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hành di sản; ngăn chặn và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi, kiếm tiền; cố tình thay đổi hình thức diễn xướng và các yếu tố liên quan; lợi dụng niềm tin vào tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân để tuyên truyền và cổ súy cho những hoạt động gây chia rẽ các thủ nhang, đồng đền, bản hội và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ và xã hội.

Cục Di sản Văn hóa đề xuất tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, kiểm kê di sản để có những định hướng phát huy đúng đắn các giá trị di sản văn hóa trong đời sống xã hội, kiên quyết bài trừ những biểu hiện mê tín dị đoan, lệch lạc, thương mại hóa trong quá trình thực hiện tín ngưỡng.

Bên cạnh đó, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác quản lý nhà nước đối với di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cho cán bộ làm văn hóa các cấp; hướng dẫn về cách thức quản lý nhà nước đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu; quy định trách nhiệm của người đại diện cơ sở thờ Mẫu và tổ chức thực hành nghi lễ thờ Mẫu; vinh danh, khen thưởng, động viên và khuyến khích nghệ nhân, người thực hành di sản, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản…

Tác giả: Mai An

Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP