Vụ việc chồng tẩm xăng đốt vợ, ôm con trốn ở Nghệ An đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo đó, vào khoảng 2h ngày 9/8, 2 vợ chồng anh Nguyễn Văn Th. và chị T.T.H (trú ở xóm Nam Long, xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) đang ngủ thì dậy cãi nhau vì nguyên nhân đứa con 2 tuổi quấy khóc, dỗ không được. Trong lúc cãi vã, anh Th. bất ngờ lấy can xăng hất lên người vợ rồi châm lửa đốt. Rất may, chị H. kịp thời chạy ra giếng múc nước dội lên người dập lửa, tuy nhiên vẫn bị thương.
Trao đổi với PV Kiến Thức tối ngày 9/8, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật nghiêm cấm sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn vợ chồng.
Ảnh minh họa |
“Vợ chồng đáng lẽ ra phải có nghĩa vụ thương yêu, quan tâm chăm sóc nhau để cùng xây dựng một gia đình hạnh phúc nhưng đáng tiếc người chồng đã dùng bạo lực để gải quyết quyết mâu thuẫn nhỏ nhặt dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi bạo lực thô bạo của người chồng không những vi phạm nghiêm trọng Luật hôn nhân gia đình mà còn xâm phạm đến quyền được bảo vệ tính mạng của công dân được pháp luật bảo vệ”, Luật sư Thơm nhận định.
Theo Luật sư Thơm, thông tin ban đầu cho thấy, chỉ vì xuất phát từ nguyên nhân đứa con 2 tuổi quấy khóc, dỗ không được nên hai vợ chồng xảy ra cãi chửi nhau. Do bực tức và thiếu kiềm chế, đối tượng lấy can xăng hất lên người vợ đang bế con rồi châm lửa đốt. Do lửa bùng lên, chị H đã vội thả con xuống nền nhà và chạy ra giếng, múc nước dội lên người dập lửa và được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chết. Hậu quả chị H bị thương tích do bỏng ở lưng và hiện đang điều trị tại bệnh viện.
Do vậy, xét hành vi phạm tội của đối tượng thấy vì lý do nhỏ nhặt trong quan hệ vợ chồng, sử dụng xăng là chất dẫn cháy rất nguy hiểm hất lên người chị H là hành vi có chủ ý tước đoạt tính mạng người khác đã cấu thành tội Giết người theo điểm n, Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự.
Bởi, pháp luật buộc phải nhận thức khi dùng xăng là chất dẫn cháy khi tác động lên cơ thể con người sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Hậu quả chết chưa xảy ra do được cấp cứu kịp thời nên không bị tử vong thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội Giết người chưa đạt được quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự với khung hình phạt cao nhất phải đối mặt đến 20 năm tù giam
“Đây cũng là bài học cảnh báo về tình trạng bạo lực gia đình đã và đang xảy ra trong xã hội hiện nay là một thực tế đáng báo động. Nếu xét thấy mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được thì các bên có thể xin ly hôn theo quy định của pháp luật dân sự. Sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn vợ chồng thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả sẽ bị xử lý nghiêm minh vì đó không còn chỉ là chuyện nội bộ gia đình mà là quyền con người được pháp luật bảo vệ”, Luật sư Thơm cho biết.
Điều 123. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: |
Tác giả: Hải Ninh
Nguồn tin: Báo Kiến thức