Giáo dục

Xử phạt hành chính giáo viên dạy thêm: Phụ huynh, học sinh lên tiếng

Vừa qua Bộ GD&ĐT đưa ra bản dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có việc xử phạt vấn đề dạy thêm học thêm. Với các mức phạt từ 2 triệu đến 16 triệu đồng. Vậy ý kiến, suy nghĩ của phụ huynh, học sinh với hình thức xử phạt này như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Vân (Nghệ An) cho rằng, bản dự thảo được Bộ GD&ĐT đưa ra với mục đích nhằm kìm hãm, răn đe và xử phạt những trường hợp tiêu cực trong giáo dục, mà cụ thể ở đây là dạy thêm và học thêm.

"Tuy nhiên, nếu đối chiếu với thực tế thì cần phải nhìn vấn đề ở nhiều góc cạnh hơn. Con tôi học cấp THPT, lượng kiến thức rộng và quá nhiều 45 phút trên lớp có thể chuyển tải được bao nhiêu? Kiến thức đâu để thi cử? Nên đi học thêm là chuyện đương nhiên. Còn như chuyện học sinh bị thầy cô bắt đi học thêm, không học thì bị “đì”, bị điểm thấp thì xử phạt là đúng. Nhưng phải đưa ra được những quy định cụ thể hợp lý với từng đối tượng. Không thể gộp chung cả 3 cấp học vào phạt như thế được", chị Vân nêu quan điểm.

Vị phụ huynh này cũng đặt câu hỏi: "Chúng ta luôn coi trọng tinh thần tôn sư trọng đạo, người thầy được cả xã hội coi trọng, không lý gì thầy đi dạy lại bị phạt?”

Phụ huynh Nguyễn Quyên (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ thêm: “Việc dạy thêm chưa hẳn đã xấu, mà còn giúp cho học sinh có thêm kiến thức nâng cao ngoài những tiết dạy chính ở lớp. Tuy vậy, nếu giáo viên dạy trên lớp mà chỉ dạy cho hết giáo án đã soạn còn học sinh em nào hiểu thì hiểu không hiểu thì thôi, đến khi dạy thêm lại hết mình thì không thể chấp nhận được. Thậm chí, còn có giáo viên bằng cách này hay cách khác ép học sinh đi học thêm. Những trường hợp như thế thì cần phải xử phạt nghiêm, muốn xử phạt được thì nghị định cần có quy định một cách rõ ràng”.

Đa phần, các phụ huynh đều cho rằng, việc học thêm là nhu cầu có thật của học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp. Nếu không học lớp này thì học lớp khác. Việc phạt giáo viên đi dạy cũng không khác gì phạt học sinh đi học.

Tuy nhiên, đối với nhiều trường hợp tiêu cực về chuyện học thêm cũng khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bởi việc ép học sinh đi học, chỉ chú tâm đến số lượng mà quên đi chất lượng là có thật. Vì vậy, cần một dự thảo rõ ràng và cụ thể hơn cho từng trường hợp, đối tượng cụ thể.

Học thêm là nhu cầu có thật của học sinh, nên cần được xử lý khéo léo

Về phần học sinh, em L.P (lớp 11, THPT Nguyễn Đức Mậu - Nghệ An) cho rằng: “Em thấy, bất kể việc gì cũng tồn tại 2 mặt của nó. Như em học lực thấp, học ở lớp không đủ, nên mới cần thầy cô kèm cặp thêm sau giờ học. Làm như vậy thì sai ở đâu mà phải chịu phạt?”

Đồng quan điểm với L.P, bạn Quỳnh Anh (Hà Nội) đưa ra câu hỏi: “Nếu không phải bị ép, mà tự học sinh muốn đi học thêm thì có phải chịu xử lý như giáo viên?”

“Theo em, dù ở góc độ nào, nhiệm vụ và trách nhiệm của giáo viên là đi dạy. Mà việc học thêm dạy thêm cũng không hẳn là xấu. Nếu bây giờ trong trường em bỗng có giáo viên nào đó bị phạt vì đi dạy thì học sinh cũng sẽ sinh ra tâm lý chán học, ngại đi học. Nên em nghĩ, cái nên cấm là cấm ép học sinh đi học thêm.” A.T (trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.

Có thể nói, việc giáo viên dạy thêm là điều không sai. Tuy nhiên, giáo viên tuyệt đối không được gây sức ép để buộc học sinh phải đi học thêm. Đối với việc xử phạt giáo viên cũng cần khéo léo hơn, bởi từ trước đến nay, nghề giáo luôn được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Làm không tốt, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhân phẩm, niềm tin của cộng đồng không chỉ với một bộ phận cụ thể mà rộng hơn là hệ thống giáo dục.

Tác giả: Nguyệt Tú

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP