Trong nước

Xử phúc thẩm Đinh La Thăng: Bất ngờ triệu tập nhân chứng mới

Bị cáo Thăng khai không được báo cáo nội dung hợp đồng 33 nhưng 3 bị cáo từng là thuộc cấp lại nói đã gặp Chủ tịch PVN để nghe chỉ đạo. Để làm rõ, tòa đã triệu tập thêm nhân chứng.

Sáng 9/5, HĐXX cấp phúc thẩm xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch PVN) về nội dung ông kháng cáo. Bị cáo này cho rằng bản thân không phạm tội Cố ý làm trái trong vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn cho biết theo bản án sơ thẩm, TAND Hà Nội quy kết Đinh La Thăng biết rõ Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) gặp khó khăn về tài chính, chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu dự án nhưng ông ta vẫn chỉ định PVC làm tổng thầu dự án nhiệt điện. Bị cáo là người đứng đầu tập đoàn, biết dù hồ sơ dự án thiếu cơ sở pháp lý, nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng EPC số 33.

Đinh La Thăng khẳng định không cố ý làm trái

Tại tòa hôm nay, cựu Chủ tịch PVN tiếp tục khẳng định không phạm tội. Ông Thăng lý giải, phiên tòa hồi tháng 1 chưa xem xét toàn diện bối cảnh dự án Thái Bình 2 trong hoàn cảnh chung. Lúc đó, các tập đoàn kinh tế được phép đầu tư, phát triển kinh tế đa ngành.

Theo lời bị cáo, giai đoạn đó, các dự án trọng điểm như thế được phép vừa thiết kế, vừa thi công để đảm bảo tiến độ.

Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TTXVN.

Chủ tọa hỏi, là người đứng đầu PVN, với những hậu quả đã xảy ra, bị cáo thấy mình có phạm tội? Đáp lại, ông Thăng một lần nữa khẳng định việc chỉ định PVC làm tổng thầu dự án không trái pháp luật. Về lựa chọn này, PVN đã thực hiện đúng theo chỉ đạo.

Tuy nhiên, cựu Chủ tịch tập đoàn lý giải vai trò của ông ta là đôn đốc các đơn vị thành viên thực hiện chủ trương khởi công dự án. “Còn thực hiện như thế nào là việc của nhà đầu tư, tức là PVC và PVPower”, ông Thăng nói.

Với quy kết của tòa sơ thẩm, việc bị cáo biết rõ năng lực tài chính của PVC không đủ nhưng vẫn chỉ định làm tổng thầu, ông Thăng giãi bày lúc đó, theo báo cáo của đơn vị này, các chỉ tiêu tài chính đều đạt. Các năm 2009, 2010 và 2011 PVC đều có lãi. Thậm chí, năm 2011 lãi khoảng 1.000 tỷ đồng.

"Tháng 8/2011, tôi đã chuyển công tác nhưng báo cáo tài chính cho thấy PVC vẫn có lãi", bị cáo 58 tuổi khai.

Làm rõ lời khai của Đinh La Thăng

Tiếp tục xét hỏi, chủ tọa truy vấn lý do ông Đinh La Thăng chỉ thị giao PVC làm tổng thầu dự án Thái Bình 2.

Trả lời HĐXX, nguyên Chủ tịch PVN cho hay trước dự án này, PVC đã từng thực hiện nhiều dự án lớn hơn như Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, công trình Nhà máy đạm Cà Mau,… theo cả hình thức tổng thầu lẫn liên danh tổng thầu.

"Vì sao PVN giao cho PVC làm tổng thầu dự án Thái Bình 2?", nam chủ tọa hỏi. Ông Thăng trả lời, ban đầu, tập đoàn tìm liên danh tổng thầu. Tuy nhiên, sau đàm phán, một nhà thầu nước ngoài không đồng ý nên PVN đã giao PVC làm tổng thầu duy nhất.

13 bị cáo kháng cáo trong vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: TTXVN.

Sau nhiều câu hỏi dồn dập, chủ tọa phiên tòa tiếp tục truy vấn ông Thăng về việc giao Nguyễn Xuân Sơn và Phùng Đình Thực lo tạm ứng 10% chi phí hợp đồng (tương đương hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC). Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo các thuộc cấp phải ứng tiền cho đơn vị này dù biết hợp đồng số 33 chưa đủ pháp lý. Trước mắt, phải tạm ứng 6% cho PVC.

Thực hiện chỉ đạo, Nguyễn Xuân Sơn và các đồng phạm đã làm thủ tục tạm ứng hơn 6,6 triệu USD cho chủ đầu tư. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và 6 người khác đã lập 4 “hợp đồng ma”, rút 13 tỷ đồng để chia nhau.

Giải thích trước tòa phúc thẩm, Đinh La Thăng nói bản thân không được cấp dưới báo cáo về nội dung hợp đồng số 33 trong các cuộc họp.

Tuy nhiên, chủ tọa lập tức phản bác, rằng ở phần xét hỏi một ngày trước, các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh và Phùng Đình Thực đều khai họ đã vào phòng Chủ tịch, nghe chỉ đạo việc thực hiện nội dung trong hợp đồng số 33.

Đáp lại HĐXX, ông Thăng thừa nhận việc ép tiến độ khởi công dự án là điều đương nhiên, giám sát đẩy nhanh tiến độ là việc bắt buộc.

"Tuy nhiên, việc ký hợp đồng là quyền của các đơn vị PVC và PVPower, lãnh đạo tập đoàn không ai chỉ đạo 2 đơn vị này phải ký theo nội dung nào", bị cáo Thăng khai và cho biết, 2 đơn vị đó đã tự bịa ra các hợp đồng khống.

Sau khi nghe những lời khai của Đinh La Thăng, lúc 9h30, chủ tọa bất ngờ tuyên bố tạm dừng phiên tòa. Theo HĐXX, để làm rõ lời khai của ông Thăng và các bị cáo, tòa sẽ triệu tập ông Hồ Công Kỳ (nguyên Chánh văn phòng PVN giai đoạn 2010-2011) vào 14h ngày 9/5.

Chiều nay, tòa tiếp tục làm việc.

Tác giả: Hoàng Lam

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP