Cuộc sống

Xuân Canh Tý mạn đàm về chuột

Chuột là con vật gần gũi trong đời sống, với bản chất vừa tinh ranh, vui nhộn, vừa ngộ nghĩnh, độc đáo. Hình ảnh con chuột giàu ý nghĩa biểu tượng nên được lấy làm hình ảnh ẩn dụ sinh động cho nhiều câu ca dao, thành ngữ Việt Nam.

Ngày Xuân, xin điểm qua hình ảnh con chuột trong văn học dân gian để vừa thư giãn đầu xuân vừa để độc giả suy ngẫm về đối nhân xử thế.
Thưa quý vị, các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch của loài chuột 11 triệu năm về trước. Như vậy, chuột là một trong những loài xuất hiện sớm nhất trong lịch sử tiến hóa và phát triển trên hành tinh của chúng ta.

Không phải là loài động vật có ích, chuột không được yêu thương, chào đón nhưng ở chuột lại có nhiều đức tính của con người: chăm chỉ, khôn ngoan, có sức sống mãnh liệt, có khả năng thích ứng với nhiều địa hình, hoàn cảnh. Phải chăng vì thế mà con chuột tinh khôn được xếp đầu hàng trong bản mệnh 12 con giáp?

Trong 12 con giáp, có lẽ chuột là loài vật gần gũi và xuất hiện nhiều nhất trong kho tàng ca dao, thành ngữ Việt Nam. Hình ảnh con chuột có trong nhiều hoạt cảnh buồn vui cuộc sống của con người. Tranh dân gian Đông Hồ có “Đám cưới chuột” nổi tiếng ngàn đời nay; đồng dao có “Mèo đuổi chuột”, “Vè con chuột” không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng vẫn mê; ca dao, tục ngữ thì hình ảnh con chuột nhiều vô kể…

Nhưng hầu như hình ảnh chuột là để phê phán, châm biếm, để nói về thói hư, tật xấu. Tuy nhiên, nói về cái phản diện cũng là tiếng nói tích cực nhằm mục đích giúp con người ta sửa mình.

Rất hiếm hoi mới có những câu ca xuất hiện hình ảnh chuột mà lại tình cảm ấm áp, âu yếm như thế này: "Chuột khôn cũng thể chuột nhà/ Dẫu khôn dẫu dại cũng là chồng em".

Có vẻ như đây là một anh chồng khờ nhưng vẫn may mắn có được tình cảm thủy chung của người vợ. Ý tứ câu này có nhiều nét tương đồng với câu ca dao: “Chồng em áo rách em thương/Chồng người áo gấm xông hương mặc người”.

Ca dao cũng có hình ảnh đôi chuột khác hết sức sống động, dễ thương: "Chuột kêu chút chít trong rương/ Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay!" Câu ca dao gợi đến mối tình thầm vụng mà có lẽ là của một anh chàng ở rể, muốn bày tỏ tình yêu với vợ mình cũng phải « đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên ». Hình ảnh đôi chuột chút chít, rúc rích trong rương mới đáng yêu và sinh động làm sao!

Đường hoa xuân Canh Tý 2020


Có điều, những chú chuột may mắn được hưởng hạnh phúc như vậy thường bị người ta ví “chuột sa chĩnh gạo” (hay “chuột sa hũ nếp”). Nghĩa là những thành quả được hưởng không phải do nỗ lực phấn đấu mà do may mắn ngẫu nhiên!
Còn lại, hầu hết các câu ca dao, thành ngữ về chuột đều hàm ý phê phán, châm chích, mỉa mai những thói hư tật xấu của con người…

Chẳng hạn hình ảnh chuột dùng để tả dung mạo kẻ lưu manh, đểu cáng, tâm địa xảo trá, xấu xa: “mặt như chuột kẹp”, “đầu dơi mặt chuột”, “mắt dơi mày chuột”. Hay câu “đầu voi đuôi chuột” chỉ việc chủ trương, kế hoạch “hoành tráng” nhưng kết quả èo uột. Hoặc để chỉ hành động mờ ám, không minh bạch: “làm dơi làm chuột”…

Con chuột cũng gắn với hình ảnh xấu xí, lấm lét, thiếu đàng hoàng: “len lét như chuột ngày” hay điệu bộ kém tinh nhanh, đờ đẫn: “lù rù như chuột chù phải khói”. Hoặc hình ảnh chuột để ám chỉ cuộc tình mèo mả gà đồng : "Con chi rọt rẹt sau hè/ Hay là rắn mối tới ve chuột chù ?".

Đôi khi, chuột cũng cố gắng “thể hiện”, cũng “làm màu” một chút để rồi rốt cuộc bị “bóc phốt” tơi tả: "Chim chích mà đậu cành sồi/ Chuột chù dưới cống đòi soi gương Tàu". Thậm chí tệ hơn: “Voi đú, chó đú, chuột chù cũng đú” để chỉ thói a-dua đua đòi không phải lối, trở nên lố bịch, kệch cỡm.

Cũng có khi chuột muốn đỏng đảnh, làm bộ làm tịch một chút, lập tức cũng bị chê bai: “Chuột chê xó bếp chẳng ăn/ Chó chê nhà dột ra nằm bụi tre”. Rồi thì “chuột chù đeo đạc”, “chuột chù mà có xạ hương” nhằm ám chỉ kẻ yếu kém, tài hèn sức mọn mà lại kiêu căng, khoe mẽ, học làm sang, lên mặt dạy đời.v.v. Hình ảnh “chuột đội vỏ trứng” để chỉ những kẻ dùng vẻ hào nhoáng giả tạo để che đậy bản chất xấu xa.

Lại nữa, câu “cháy nhà ra mặt chuột” thể hiện việc chú chuột nhà ta bị phơi bày, lộ tẩy bản chất thật không sao đỡ nổi sau vụ “cháy nhà”. “Chuột chạy hở đuôi” phản ánh việc “một tay không che nổi mặt trời”, không che giấu được toàn bộ hành vi, sự việc, kiểu gì cũng bị lộ một phần bản chất, một phần bí mật.

Rồi khi lâm vào tình thế đặc biệt khó khăn đã bị dồn đến bước đường cùng: “chuột chạy cùng sào” chẳng biết có xoay xở, tìm ra được lối thoát hay không?

Trong một số tình thế, chuột là nhân vật khiến con người phải đắn đo, cân nhắc kỹ trước khi hành động. Nếu như câu “vẽ đường cho chuột chạy” thể hiện quan điểm rõ ràng về việc phê phán hành động bao che cho kẻ xấu, nối giáo cho giặc thì câu “ném chuột sợ vỡ bình” lại bày tỏ một thái độ thận trọng khi muốn xóa bỏ một điều gì nguy hại cũng phải cân nhắc kỹ để tránh làm tổn thương đến những đối tượng liên quan.

Tiết Xuân nhàn tản, xin mạn phép hầu chuyện độc giả đôi điều, chúc quý vị một năm mới hanh thông, vạn sự như ý!

Tác giả: Trần Nguyên

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP