Giáo dục

Xúc động giáo viên kết bè chuối "tiếp tế" lương thực cho học sinh vùng lũ

Bất chấp mưa lũ khắc nghiệt, hiểm nguy rình rập, các giáo viên Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Bố Trạch (Quảng Bình) vẫn kiên cường kết bè chuối vượt lũ, tiếp tế lương thực cho học sinh vùng lũ bị cô lập.

Kết bè chuối vượt lũ là "thói quen" hằng năm

Tháng 10 vừa qua, mưa lũ lịch sử đã "nhấn chìm" miền Trung, đặc biệt là tỉnh Quảng Bình trong màn nước đục ngầu. Trận lũ tang thương khiến hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch tỉnh Quảng Bình bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

Bấy giờ, nước vẫn chưa rút, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, các thầy cô Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Bố Trạch (Quảng Bình) rất lo lắng cho sự an toàn của hơn 280 học sinh nội trú.

Nhiều đoạn đường di chuyển vào trường bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: NVCC

Đứng trước tình hình này, thầy Hoàng Đức Hòa (Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc Nội trú Bố Trạch) nhận định, khó khăn lớn nhất của nhà trường lúc này là sự chia cắt lâu dài khiến công tác tiếp tế lương thực gặp nhiều khó khăn.

"Lương thực dự trữ đã cạn kiệt sau hai tuần cầm cự. Từ đảm bảo thực phẩm đầy đủ cho học sinh, chúng tôi chuyển qua nấu "cầm chừng", bữa ăn chỉ còn là cơm trắng và cá khô" - thầy Hòa chia sẻ.

Chân dung thầy Hoàng Đức Hòa. Ảnh (VTV)

Và rồi, bất chấp nước lũ dâng cao, hiểm nguy sạt lở đất rình rập, các thầy cô Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Bố Trạch đã kiên cường bơi qua những đoạn đường ngập lụt bằng bè chuối, nỗ lực tiếp tế lương thực cho học sinh.

Thầy Hòa cùng các giáo viên khác kết bè chuối vượt lũ tiếp tế lương thực cho học sinh vùng lũ. Ảnh: NVCC

"Kết bè chuối vượt lũ là việc làm diễn ra hằng năm, cũng là kỹ năng của thầy cô tại đây. Bởi, các thời điểm mưa lớn trong năm, đoạn đường này sẽ bị ngập lụt nặng nề, gây khó khăn cho việc di chuyển" thầy Hòa chia sẻ.

Nỗ lực tiếp tế cho học sinh vùng cao

Do địa hình bao quanh là sông, núi nên nước lũ đến nhanh nhưng xuống chậm, nhiều đợt mất cả tháng ròng mới có thể di chuyển lại bình thường. Tuy nhiên, sau nhiều tuần bị lũ cô lập và chia cắt, khi nước đã bắt đầu rút, Ban giám hiệu nhà trường quyết định "rút" các thầy cô đang "cắm" bản về xuôi và điều các thầy cô dưới xuôi cùng lương thực tiếp tế lên thay.

Đoàn xe trên đường di chuyển về xuôi. Ảnh: NVCC

Cứ như vậy, đoàn xe của thầy cô đã băng hơn 40 km đường rừng đến điểm hẹn "đổi phiên" lên bản. Tuy mưa lũ đã ngớt, nhưng hiện trạng sạt lở đất vẫn là trở ngại lớn với tất cả mọi người.

Tại đây, các thầy cô đã quyết định bỏ lại xe, "luồn rừng", vượt qua điểm sạt lở để sang đầu bên kia. "Ban đầu có 15 thầy cô được về xuôi, nhưng vì tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp nên có 6 người quyết định không về nhà để hỗ trợ đoàn giáo viên đi lên" - thầy Hòa chia sẻ.

Sau cuộc gặp gỡ trong phút chốc giữa Trường Sơn đại ngàn, những thầy cô vùng lũ mang theo đầy đủ lương thực và nhu yếu phẩm tức tốc tiến vào trường - nơi các học sinh vùng cao đang chờ.

Các thầy cô gặp nhau sau bao ngày xa cách.

Đến bây giờ, trên con đường độc đạo xuyên dãy Trường Sơn vào Trường phổ thông dân tộc Nội trú Bố Trạch vẫn chứa đựng những bất trắc khó lường. Thế nhưng, để đem được cái chữ lên với con em đồng bào Ma Coong, Bru, Vân Kiều... của 2 xã biên giới Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), những cán bộ, giáo viên của Trường phổ thông dân tộc Nội trú Bố Trạch vẫn kiên trì bám trụ, vượt muôn vàn khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, vào tối 15.11, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Thay lời tri ân” năm 2020 với chủ đề "Hạnh phúc", để ghi nhận và tôn vinh các thầy cô khắp mọi miền tổ quốc đã vượt khó vươn lên, đóng góp cho những thành công của giáo dục nước nhà.

Tại chương trình, thầy Hoàng Đức Hòa và tập thể giáo viên Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Bố Trạch (Quảng Bình) đã nhận phần thưởng là những lời tri ân trước những nỗ lực vượt khó, hy sinh thầm lặng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và sự trưởng thành của các thế hệ học trò.

Tác giả: THIỀU TRANG

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP