Xác định vị trí đất ở
Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư của bà Lê Thị Hiên, vợ Thương binh ¼ Hồ Xuân Trường, tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An phản ánh gia đình được chính quyền cấp 500 m2 đất ở và 1000 m2 đất nông nghiệp từ năm 1987, đến nay Nhà nước thu hồi đất làm khu TĐC đường cao tốc Bắc – Nam nhưng chỉ đền bù đất sản xuất nông nghiệp, khiến gia đình bức xúc.
Cụ thể, tại Quyết định số 01, ngày 22/6/1987 về chế độ nuôi dưỡng thương binh hạng nặng, UBND xã Đô Thành đã cấp cho gia đình ông Hồ Xuân Trường 500 m2 đất ở, 1000 m2 dất nông nghiệp cho tự túc sản xuất lương thực, miễn đóng thuế thủy lợi cho nhà nước. Vào thời điểm được cấp do gia đình cần thêm đất để sản xuất nên đã xin cấp toàn bộ diện tích trên một mảnh đất lúa liền kề.
Quyết định số 01 cấp đất ở và đất nông nghiệp cho gia đình thương binh nặng Hồ Xuân Trường năm 1987 |
Từ năm 2008 đến nay, gia đình bà Hiên đã đề nghị UBND xã và huyện Yên Thành xem xét Quyết định số 01 và xin cấp GCNQSD đất cho thửa số 436 (theo bản đồ đo đạc xã Đô Thành năm 2008), huyện Yên Thành đã tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả, nhưng không hiểu lý do gì phòng chuyên môn huyện Yên Thành vẫn đang “ngâm” kết quả và không trả lời.
Năm 2019, UBND huyện Yên Thành ra Thông báo thu hồi đất số 210/TB.UBND ngày 19/9/2019 nhà bà Hiên có diện tích thu hồi 1079 m2 đất lúa. Tuy nhiên, theo gia đình phản ánh thì thực chất diện tích nhà bà bị thu hồi 1298 m2.
Bà Lê Thị Hiên bức xúc: Thứ nhất chính quyền phải đo lại diện tích thu hồi thực nhà tôi, thứ hai xem xét bồi thường diện tích đất ở cho gia đình theo Quyết định số 01, thứ ba nếu thu hồi 1000 m2 đất lúa thì gia đình đồng ý, nhưng diện tích thu hồi thực thừa ra bao nhiêu thì tính đất ở để bồi thường, trên cơ sở trừ đi diện tích đất ở đã thu hồi thì còn diện tích bao nhiêu làm sổ đỏ cho gia đình.
Con trai ông Hồ Xuân Trường chỉ về khu đất gia đình bị thu hồi để làm khu TĐC đường cao tốc Bắc - Nam |
Tại buổi làm việc với ông Luyện Xuân Huê, Chủ tịch UBND xã Đô Thành và ông Hoàng Ngọc Thảo, cán bộ Địa chính xã, ông Huê cho hay: Tôi vừa lên làm Chủ tịch nên cũng chưa nắm rõ hết vụ việc, anh Thảo địa chính thì lại là người địa phương khác được tăng cường về địa phương. Huyện đã giao cho xã xác định rõ vị trí 500 m2đất ở theo Quyết định số 01 mà gia đình bà Hiên được cấp năm 1987 nằm ở đâu? Và xác định rõ gia đình bà Hiên chuyển ra đây sinh sống năm nào? Chúng tôi sẽ tổ chức xác minh sớm còn báo cáo huyện.
Vậy là Quyết định số 01 giao đất ở và đất nông nghiệp liền thửa từ năm 1987 của gia đình bà Hiên, đến nay huyện Yên Thành thu hồi đất để làm khu TĐC đường cao tốc Bắc – Nam nhưng không thể xác định được đâu là vị trí đất ở, đâu là đất nông nghiệp để áp dụng khung giá bồi thường theo quy định và trên thực tế huyện Yên Thành đang áp dụng khung giá bồi thường đất lúa khiến người dân không đồng tình, bức xúc và chưa ký vào các biên bản kiểm kê hiện trạng, phương án bồi thường…
Nhân chứng có nhưng huyện có gây khó?
Tại Văn bản số 1229/UBND.TNMT ngày 22/7/2020 về trả lời đơn thư công dân của huyện Yên Thành có ghi: Việc bà Hiên cho rằng 500 m2 theo Quyết định số 01 của UBND xã Đô Thành là một phần thửa số 466, tờ bản đồ địa chính số 14 nay là thửa số 10 theo bản đồ trích đo phục vụ giải phóng mặt bằng khu TĐC đường cao tốc Bắc – Nam đoạn qua xã Đô Thành là không có cơ sở giải quyết.
Cũng tại Công văn số 28/UBND xã Đô Thành, ngày 28/4/2020 trả lời đơn đề nghị xác minh lại nguồn gốc đất cho gia đình bà Hiên có ghi: Căn cứ kết quả xác minh 500 m2đất ở theo Quyết định số 01 năm 1987 là đã nằm trong tổng diện tích đã cấp năm 1995 là 1410 m2 và nay là số thửa 1425, tờ bản đồ địa chính số 14, diện tích 1712 m2.
Dự án khu TĐC đường cao tốc Bắc - Nam đang được huyện Yên Thành san lấp, làm hạ tầng |
Ông Hồ Đức Dinh, người dân xã Đô Thành cho hay: Đây là gia đình chính sách thương binh nặng, mất sức 91%, nếu chính quyền cứ áp về lý và đòi hỏi bằng chứng đâu thì người dân biết làm sao. Chính quyền giao đất năm 1987 thì dân cứ nhận, cứ canh tác bình thường, vì là nhà bà Hiên đã có đất ở nên gia đình chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất 500 m2 mà Nhà nước đã cấp cho, nay Nhà nước thu hồi vào diện tích đó thì phải có chính sách “nhân văn”, hợp tình và hợp lòng dân.
Để làm chứng cho gia đình chính sách Hồ Xuân Trường, ông Nguyễn Trường Thi, sinh năm 1956, ông Phạm Đình Tuấn, sinh năm 1960 và ông Luyện Hồng Thái, sinh năm 1953 tất cả đều là nguyên cán bộ xã Đô Thành, đều xác nhận chính quyền có giao đất ở 500 m2, 1000 m2 đất nông nghiệp liền thửa và chỉ giao tại thực địa, không ghi trên văn bản giấy tờ nào khác. Vậy là đất đã giao, dân đã nhận, có nhân chứng sống, nhưng không hiểu lý do gì mà chính quyền địa phương vẫn gây khó?!
Ông Luyện Xuân Huê, Chủ tịch UBND xã Đô Thành thì cho rằng: Xác định được vị trí đất ở 500m2 nằm ở đâu là rất khó, vì ngày trước chỉ giao tại thực địa, huyện chỉ đạo xã làm việc với người dân xem xét nguyện vọng gia đình, gia đình bà Hiên ra đây sinh sống năm nào. Hoặc chính quyền sẽ đồng ý cấp 500m2 đất ở theo Quyết định 01 trên diện tích mà gia đình đang có, còn hơn 1000m2 đất đã ra Thông báo thu hồi thì đền bù theo đất lúa.
Ông Thái Hữu An, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thành cho biết: Huyện đang giao cho xã xác minh lại vị trí đất ở cấp theo Quyết định 01 năm 1987, quan trọng vị trí đất ở đâu? Khi đó huyện mới có cơ sở để đền bù theo quy định. Hiện tại huyện thu hồi hơn 1000 m2 đất nông nghiệp của gia đình bà Hiên, nhưng chưa ra quyết định thu hồi do gia đình chưa đồng ý và chưa ký vào các văn bản liên quan.
Thiết nghĩ, gia đình ông Hồ Xuân Trường là thương binh nặng, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Yên Thành cần xác minh lại toàn bộ vụ việc, tôn trọng Quyết định 01 năm 1987, tôn trọng lịch sử và tôn trọng gia đình chính sách để có phương án, giải pháp đền bù, hỗ trợ thấu tình đạt lý.
Tác giả: Doãn Xuân - Quán Dũng
Nguồn tin: Báo Tài nguyên& Môi trường