Yêu cầu này được Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nêu trong văn bản gửi các địa phương. Theo đó, lãnh đạo Bộ này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thanh, kiểm tra các cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản có dấu hiệu bất thường và xử nghiêm trường hợp vi phạm.
Đề nghị này được cơ quan quản lý đưa ra dựa trên đánh giá, kết quả đấu giá tại một số địa phương có yếu tố bất thường. Chẳng hạn, việc bỏ giá thực hiện qua nhiều vòng, thời gian tổ chức kéo dài, giá trúng gấp nhiều lần so với mức bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường. Gần nhất, ngày 21/10, một doanh nghiệp đã trúng đấu giá mỏ cát tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với giá gấp 12 lần mức khởi điểm.
"Điều này dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân sau trúng đấu giá xong đã chấp nhận bỏ cọc, tác động xấu đến an ninh kinh tế, trật tự xã hội tại địa phương", Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.
Một mỏ cát đang khai thác tại tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng |
Bên cạnh đó, Bộ này đề nghị các địa phương tăng kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác tại các mỏ khoáng sản. Việc này nhằm đảm bảo các đơn vị thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, không khai thác vượt trữ lượng được cấp phép, nhất là các mỏ cát, sỏi trên địa bàn.
Các địa phương cũng được yêu cầu xây dựng phương án đấu giá phù hợp với đặc thù của đối tượng đấu giá là quyền khai thác khoáng sản, trong đó lưu ý lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp. Trường hợp, tổ chức cuộc đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đơn vị tổ chức cần nghiên cứu cách thức nhằm giảm số vòng trả giá, tránh kéo dài thời gian cuộc đấu giá.
Ngoài ra, cơ quan quản lý về khoáng sản yêu cầu địa phương phổ biến quy định đấu giá cho tổ chức, cá nhân, nhằm tránh hiểu sai đấu giá quyền khai thác khoáng sản là mua mỏ. Cùng với đó, tiền trúng đấu giá chỉ là một phần nghĩa vụ của doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách. Để khoáng sản đến được tay người sử dụng thì đơn vị khai thác phải thực hiện khoản chi phí như khai thác, chế biến, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.
Tác giả: Gia Chính
Nguồn tin: vnexpress.net