Công Phượng có thêm một lần xuất ngoại thất bại trong sự nghiệp. Trở lại Nhật Bản trong màu áo Yokohama FC, tiền đạo sinh năm 1995 chỉ có vài phút ít ỏi ra sân thi đấu tại J.League 1, anh chỉ xuất hiện trong một vài trận đấu tập. Xét về thành tích tập thể, Yokohama FC phải xuống hạng.
Tính đến tháng 12/2023, Công Phượng là tuyển thủ duy nhất của Việt Nam vẫn còn thi đấu tại nước ngoài. Cả Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Quang Hải đều trở lại V.League từ nửa sau của mùa giải 2023.
Nếu không tính trường hợp của Văn Lâm tại Muangthong United, Xuân Nam từng là ngôi sao ở giải VĐQG Lào nhiều năm năm trước, hầu hết các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại đều không được thi đấu nhiều, phong độ sa sút và gặp khó khăn ngay cả khi đã về nước.
Công Phượng xuống hạng cùng Yokohama FC. |
Công Phượng mới chỉ 28 tuổi, không thể nói rằng sự nghiệp đã ở "xế chiều". Anh vẫn còn cơ hội ra sân nếu thay đổi môi trường và thể hiện quyết tâm cứu vãn sự nghiệp.
Tuy nhiên, với thể trạng và phong độ như hiện tại, sẽ khó có đội bóng nước ngoài phù hợp với Công Phượng. Trở về nước chưa bao giờ là thất bại với một cầu thủ Việt Nam, miễn là họ vẫn mang đến giá trị cho giải đấu, cho đội bóng chủ quản.
Nguyễn Công Phượng vẫn là ngôi sao của bóng đá Việt Nam. Dù vậy, tình hình tại V.League không mang đến cho cầu thủ sinh năm 1995 nhiều lựa chọn.
Công Phượng thi đấu ở vị trí tiền vệ tấn công và tiền đạo nơi các đội bóng ưu tiên cho ngoại binh. Một số đội bóng lớn đã có người đảm nhiệm vị trí này như Hendrio Araujo (Nam Định), Nguyễn Hoàng Đức (Viettel), Nguyễn Quang Hải (CLB Công an Hà Nội),...
Các đội bóng có tiềm lực yếu hơn lại không đủ tiềm lực tài chính để chi trả các khoản lương, thưởng của Công Phượng. Đến thời điểm này, Công Phượng có 2 lựa chọn tốt nhất cho sự nghiệp nếu anh quyết tâm về nước.
Đầu tiên, HAGL dĩ nhiên luôn sẵn lòng đón cầu thủ ưu tú bậc nhất của mình trở lại Pleiku. Đội bóng phố núi vừa có nguồn tài trợ rất lớn, sẵn sàng tìm kiếm các ngôi sao chất lượng để phục vụ tham vọng "mùa sau vô địch". Họ không thiếu tiền và có lợi thế về mặt tình cảm với Công Phượng.
Tiếp đến, CLB TP.HCM là đội bóng thứ hai khao khát có được Nguyễn Công Phượng. Họ đang thiếu một tiền đạo lùi và cũng "khát" ngôi sao để thu hút tình cảm của người hâm mộ. Tương tự như HAGL, TP.HCM có nhà tài trợ sẵn sàng "chi đậm", miễn đó là ngôi sao đủ đẳng cấp gây tiếng vang.
Công Phượng không phải không thể chơi bóng ở nước ngoài. Thậm chí, nếu quyết tâm ở lại Yokohama FC và chơi J.League 2, anh sẽ có nhiều cơ hội thể hiện mình. Nhưng về nước vẫn là một lựa chọn tối ưu hơn, khi Công Phượng có thể dễ dàng bùng nổ.
Tác giả: MAI PHƯƠNG
Nguồn tin: Báo VTC News