Xã hội

14 người chết, hàng chục ngôi nhà bị lũ cuốn trôi ở Tây Bắc

Lũ quét, sạt lở đất ở Tây Bắc đã làm 14 người chết, 11 người mất tích và 70 nhà đổ sập, cuốn trôi.

Chiều 25/6, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết, mưa lũ đã làm 25 người chết, mất tích, gây thiệt hại ban đầu hơn 110 tỷ đồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đến chiều qua, lũ quét, sạt lở đất đã làm 14 người chết (Hà Giang 3 người, Lai Châu 11 người). Hiện vẫn còn 11 người ở Lai Châu bị mất tích do lũ cuốn trôi (trong đó, huyện Than Uyên 1 người, Tam Đường 1 người, Nậm Nhùn 1 người, Sìn Hồ 5 người, Mường Tè 1 người và TP Lai Châu 1 người).

Mưa lũ cũng làm đổ sập, cuốn trôi gần 70 nhà; phải di dời khẩn cấp gần 380 nhà, chủ yếu ở Thái Nguyên, Hà Giang, Lai Châu. Gần 770 nhà ở Hà Giang, Lào Cai đang bị ngập nước; hơn 730 ha lúa và hoa màu bị mất. Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, đến nay, các tuyến đường quốc lộ 4D, quốc lộ 32, quốc lộ 279, quốc lộ 4H, quốc lộ 4C bị sạt lở nặng gây ách tắc giao thông. Một số tuyến tỉnh lộ của Lai Châu cũng bị sạt lở. Có 3 cầu treo, 3 cầu bê tông nhỏ của tỉnh Lai Châu bị lũ cuốn trôi.

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông trên diện rộng, đặc biệt ở vùng núi có mưa to đến rất to, mưa tập trung vào đêm và sáng sớm. Từ ngày 27/6, lượng mưa sẽ giảm dần đến chấm dứt. Do mưa lớn, nên nguy cơ xảy ra lũ quét, đặc biệt là sạt lở ở nhiều tình vùng núi phía Bắc, như Lai Châu, phía Bắc Sơn La, Điện biên, Hà Giang, Tuyên Quang và xuất hiện điểm mưa mới ở Quảng Ninh. “Mưa lớn nhiều ngày qua và tiếp tục mưa đến 27/6 khiến đất đá no nước, nguy cơ sạt lở đất đá gia tăng và dễ bị kích hoạt. Trong đó, vùng nguy cơ cao nhất là Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La và phía tây Cao Bằng. Sau đó, sẽ lan ra nhiều tỉnh khác ở vùng núi phía Bắc. Chỉ cần lượng mưa 60-100 mm/6 giờ sẽ gây lũ quét”, ông Cường nói.

Trước tình hình trên, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ. Các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn, đặc biệt lưu ý với bà con đi làm nương, rẫy. Cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, các ngầm, đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018.

Tác giả: Phạm Anh

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP