Trong nước

2 phương án xử lý khi tuổi nghề ngắn hơn tuổi hưu

Theo dự kiến, Dự thảo Bộ luật Lao động 2012 sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10-2019 tới. Trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện tuổi nghề, tuổi hưu, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: Có 2 phương án xử lý khi tuổi nghề ngắn hơn tuổi hưu.

Phân biệt rõ tuổi hưu và tuổi nghề

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, tuổi nghề là tuổi khẳng định người lao động có thể làm một nghề cụ thể tới tuổi đời nhất định. Còn tuổi hưu là tuổi do Chính phủ quy định khi người lao động như luật hiện hành là nữ đủ 55 tuổi, nam 60 tuổi và có ít nhất 20 năm tham gia đóng bảo hiểm”.

Trên thực tế nhiều trường hợp, người lao động chỉ có thể làm nghề tới năm 35 tuổi. Sau độ tuổi đó, người lao động không thể tiếp tục làm tiếp công việc hiện tại. Đơn cử như nghệ sĩ, ca sĩ, cầu thủ đá bóng, vận động viên, diễn viên xiếc, diễn viên dạy thú… Những trường hợp này, người lao động còn sức khỏe và không thể về hưu tại thời điểm đó được. Đây là những trường hợp tuổi nghề không trùng với tuổi hưu. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp tuổi nghề trùng với tuổi hưu như công nhân khai thác than hầm lò. Theo đó, người công nhân khi làm việc tới 50 tuổi có thể nghỉ hưu vì suy giảm khả năng lao động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, trong chính sách phải xử lý 2 bài toán ngược. Nếu tuổi hưu cao hơn tuổi nghề có nghĩa nghề chỉ làm đến độ tuổi nhất định chứ không thể đạt đến đỉnh cao của tuổi nghỉ hưu thì có 2 phương án xử lý. Phương án 1, chuyển người lao động sang làm công việc khác cho tới khi đủ tuổi nghỉ hưu theo Luật định, qua đó đảm bảo lương hưu không bị ảnh hưởng. Phương án thứ 2, trường hợp người lao động không còn đủ khả năng, sức khỏe làm việc và được quyền nghỉ hưu sớm thì tiền lương hưu sẽ không bị khấu trừ.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp người lao động làm việc cao hơn tuổi nghề. Đó là những chuyên gia và không giữ chức vụ lãnh đạo. Đa số các công việc của nhóm lao động này thuộc lĩnh vực khoa học, y tế và giáo dục. “Đơn cử như nghề bác sĩ, có những bác sĩ trong Nhà nước, lương chỉ tối đa 30 triệu đồng/tháng. Nhưng khi nghỉ hưu ở tuổi 60, ra ngoài làm với kinh nghiệm nhiều năm, họ có thể nhận mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng. Vậy tại sao không sử dụng những người có kỹ năng, trình độ này để chỉ phát huy chất lượng nguồn nhân lực cao mà quan trọng hơn họ góp phần vào việc truyền đạt kinh nghiệm, đào tạo, rèn luyện kiến thức cho lớp trẻ kế cận. Điều này cần thiết cho sự phát triển của xã hội”.

“Bài toán tuổi đời, tuổi nghề, tuổi hưu phải giải quyết hết sức sòng phẳng. Người lao động hết tuổi nghề nhưng chưa đạt tuổi hưu và còn khỏe mạnh thì làm việc khác để đóng góp, cống hiến đến khi đạt tuổi hưu. Còn tuổi nghề mà chưa đạt tuổi hưu nhưng không đảm bảo sức khỏe thì đương nhiên phải cho người ta nghỉ hưu…”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Liên quan đến câu chuyện tuổi nghề, tuổi hưu, nhiều chuyên gia về lao động cũng cho rằng, cần phân biệt tuổi hưu của một đời người và tuổi hưu của một nghề. Nguyên Viện trưởng Viên Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) – bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng: “Tuổi hưu của một đời người khác với tuổi hưu của một nghề. Như tuổi về hưu hiện tại đang giới hạn ở mức 60 với nam và 55 với nữ. Nhưng tuổi hưu của một nghề đôi khi lại không giống như vậy. Chẳng hạn, tuổi nghề của một cầu thủ bóng đá có thể dừng lại ở 35, nhưng một giáo viên dù 70 tuổi vẫn có thể đứng lớp giảng dạy để có thêm thu nhập”.

“Đến một độ tuổi nhất định, người lao động có thể không còn đủ khả năng làm việc ở nghề này nhưng kinh nghiệm sẽ giúp họ làm việc ở nghề khác. Họ có thể lựa chọn giữa việc làm tốt hơn để có thu nhập tốt hơn hoặc bằng lòng với mức lương hưu”, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.

Linh hoạt trong quy định tuổi nghỉ hưu

Trước đó, trong tháng 8-2019, Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Lao động (Bộ LĐ-TB&XH) đã báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội. Theo đó, đa số ý kiến đồng ý điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1, cụ thể: Từ 1-1-2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của của nam là 62 vào năm 2028.

Bộ LĐ-TB&XH cũng tiếp thu một số ý kiến đề nghị về việc cần có phương án quy cụ thể về những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn và những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung. Theo đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu cao hơn cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và đảm bảo theo 3 nguyên tắc: Chỉ làm công việc chuyên môn, không giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo. Cơ quan có nhu cầu sử dụng. Cá nhân có nguyện vọng và có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành tổng rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ban hành một danh mục thống nhất các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn (dự kiến trong tháng 9-2019 sẽ hoàn thành).

Đối với một số công việc có tính chất đặc thù như xiếc, thể thao, nghệ thuật sân khấu, giáo viên mầm non…Dự thảo sẽ quy định theo hướng mở: Khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù, người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp. Trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm.

Tác giả: Thanh Hải

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

  Từ khóa: tuổi hưu , về hưu

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP