Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện nghị quyết 24 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ nêu tên cụ thể những Bộ ngành, địa phương chậm thực hiện nhiệm vụ này. Báo cáo được đưa ra thảo luận tại phiên họp thứ 28 của UB Thường vụ Quốc hội, bắt đầu sáng nay, 15/10.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, người nhận ủy quyền ký báo cáo của Chính phủ cho biết, triển khai nghị quyết số 05 của Trung ương và nghị quyết 24 của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện hai nghị quyết nêu trên.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo trước UB Thường vụ Quốc hội |
Nghị quyết 27 giao 16 nhiệm vụ và chính sách lớn cần thực thi cho các bộ, ngành, địa phương, với 120 nhiệm vụ cụ thể nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo đánh giá của Chính phủ, hầu hết các nhiệm vụ được giao đã được thực hiện đúng thời hạn và đạt kết quả ở các mức độ khác nhau. Có 25,8% số nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng, 57,5% số nhiệm vụ đang triển khai và có kết quả bước đầu, và 16,7% số nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa đáp ứng thời gian.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ đánh giá, việc triển khai các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn một số tồn tại, hạn chế.
Các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế mang tính liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn trong việc phối hợp chỉ đạo, tổ chức triển khai, theo dõi và giám sát. Đó là các nhiệm vụ như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp, hoàn thiện và phát triển thị trường các nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Hạn chế nữa là sự lan tỏa về cải cách thể chế và cơ cấu lại nền kinh tế còn yếu và chưa đồng đều. Các bộ, ngành, địa phương còn chưa thực sự chủ động và quyết liệt trong việc đề xuất về cải cách cơ chế, chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Bộ KH-ĐT (cơ quan tổng hợp) đã điểm danh các bộ, ngành, địa phương chậm hoặc chưa ban hành chương trình, kế hoạch hành động theo nghị quyết 27.
Duy nhất chưa ban hành trong số các bộ ngành là Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù nghị quyết 27 của Chính phủ đã giao cho bộ này cùng Bộ LĐ, TB&XH khá nhiều nhiệm vụ trong phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển, trong đó có 7 vấn đề được nhấn mạnh cần tập trung thực hiện.
Chậm ban hành là Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế, đều trong tháng 11/2017 mới ra văn bản triển khai thực hiện nghị quyết 27, trong khi nhiều bộ khác ban hành kế hoạch ngay trong tháng 3 cùng năm.
Các địa phương được điểm danh gồm có: Kon Tum, Sóc Trăng, Long An, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bạc Liêu, Đồng Nai, Cao Bằng, Trà Vinh, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Hà Giang, An Giang, Gia Lai, Hậu Giang, Lào Cai và TPHCM.
Trong số này có Long An, Hoà Bình và Gia Lai là chưa ban hành kế hoạch, còn lại là chậm ban hành.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì việc thực hiện nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành mới chỉ dừng ở việc tiếp tục thực hiện theo tiến độ, yêu cầu và định hướng đổi mới đã xác định, mà chưa thực sự tạo đột phá về giải pháp, đổi mới về cơ chế, chính sách, quy định quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan.
Như phát triển các liên kết vùng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cơ cấu lại thực chất các ngành công nghiệp.
Trong số các giải pháp về tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020, giải pháp đầu tiên được nêu tại báo cáo của Chính phủ là hoàn thiện bộ máy, đổi mới việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, thực chất và quyết liệt các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế của các bộ, ngành, địa phương.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ theo dõi và báo cáo về cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí