Xe đạp bắt đầu vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 và được xem là tài sản lớn nhất của nhiều gia đình. Thậm chí, có những chiếc được suy tôn là xe "siêu sang".
Xe đạp Thống Nhất
Những năm 80 của thế kỷ trước, chỉ những gia đình khá giả mới có thể sở hữu xe đạp Thống Nhất. Trong ký ức của nhiều người, xe đạp Thống Nhất là một sản phẩm chất lượng, chẳng thua kém xe Peugeot của Pháp.
Thời điểm đó, một chiếc xe đạp Thống Nhất có giá lên tới nửa cây vàng, số tiền quá lớn so với mức thu nhập của nhiều gia Việt lúc bấy giờ.
(Ảnh: FB Ký Ức Người Buôn) |
Xe đạp Thống Nhất ra đời từ trong chiến tranh chống Mỹ nên nó đi vào cả chiến trường với biệt danh “con ngựa sắt”, vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men…ra tiền tuyến.
Tuy nhiên, số lượng xe đạp Thống Nhất rất hạn chế. Do đó, người được phân phối xe chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có người được phân phối xe, quý đến mức không dám đi, chỉ treo trong nhà, hai bánh không để chạm đất.
Xe đạp Thống Nhất được sản xuất kỹ đến từng chi tiết, chất lượng không thua kém những chiếc xe nhập khẩu từ châu Âu hay Nhật Bản. Nhiều chiếc xe Thống Nhất đã trải qua 60 năm cùng nhiều lần thay thế phụ tùng bảo dưỡng nhưng khung xe vẫn còn nguyện vẹn.
Đáng chú ý, những chiếc xe đạp thời ấy được cấp biển số, giấy chứng nhận không khác gì xe máy, ô tô ngày nay.
Xe đạp Phượng Hoàng
Từng là biểu tượng của sự giàu có, xe đạp Phượng Hoàng thời kỳ bao cấp được suy tôn thành xe "siêu sang". Đặc biệt, chỉ giới thượng lưu mới đủ tiền sở hữu xe đạp Phượng Hoàng. Thời điểm đó, nếu tính bằng thóc, một chiếc xe đạp Phượng Hoàng bằng cả một năm thu hoạch của một gia đình nông dân.
Chiếc xe đạp Phượng Hoàng từng là niềm mơ ước của nhiều người một thời. (Ảnh minh họa: Dân Việt) |
Sau chiến tranh biên giới năm 1979, lượng hàng hóa Trung Quốc về Việt Nam nhỏ giọt. Vì thế, không dễ để mua xe Phượng Hoàng, thậm chí người dân phải bỏ ra vài cây vàng mới có thể mua được chúng. Đến những năm 1990, xe đạp Nhật làm khuynh đảo thị trường, khiến xe Phượng Hoàng lùi sâu vào dĩ vãng.
Ngày nay, rất ít người còn sở hữu xe đạp Phượng Hoàng cổ hoặc xe đã hỏng hóc nặng theo thời gian. Tuy nhiên, giới sưu tầm xe vẫn lùng mua những chiếc còn nguyên "zin" chưa hỏng hóc, ngoại hình đẹp.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn còn sản xuất mẫu xe này, tuy nhiên số lượng xe nhập về Việt Nam rất hạn chế. Nếu muốn sở hữu một chiếc xe Phượng Hoàng mới, người mua sẽ phải bỏ 4 triệu đồng và phải chờ ít nhất 1 tháng mới được nhập về Việt Nam.
Xe đạp Peugeot
Thời kỳ bao cấp, xe đạp Peugeot ăn sâu vào tiềm thức của người Hà Nội. Hồi đó, một chiếc xe đạp Peugeot có thể đổi được cả căn nhà mặt phố. Những năm gần đây, nhiều người dân ở Hà Nội có sở thích sưu tầm lại loại xe này để hoài nhớ lại thời bao cấp đã qua.
Peugeot là thương hiệu xe của Pháp ra đời năm 1882. Không chỉ xe máy Peugeot được biết đến rộng rãi, xe đạp Peugeot cũng trở thành huyền thoại. Sau gần 100 năm ra sản phẩm đầu tiên, Peugeot mới có mặt tại Việt Nam. Xe đạp Peugeot nhanh chóng được ưa chuộng và trở thành phương tiện đi lại gắn bó với người Việt Nam suốt thế kỷ 20.
Xe đạp Peugeot cá vàng. (Ảnh: Peugeotgiaiphong3s) |
Thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, Peugeot là một trong những tài sản lớn nhất của người Hà Nội. Sở hữu một chiếc xe đạp Peugeot thực sự là một niềm mơ với tất cả mọi người. Vì thế, xe đạp Peugeot rất được nâng niu, gìn giữ. Phải có công việc quan trọng lắm chủ nhân mới cho xe xuống đường.
Tác giả: Bằng Lăng (tổng hợp)
Nguồn tin: Báo VTC News