Kinh tế

3 quả 'đấm thép' của Hà Tĩnh giờ ra sao?

Thép Vạn Lợi, Bò Bình Hà, Dắt Thạch Khê là 3 đại dự án được ví như “quả đấm thép” được đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế Hà Tĩnh. Dù vậy, 2 trong số đó vướng vào các đại án hình sự, trong khi cái tên còn lại cũng chìm trong bế tắc chưa có lối thoát.

Dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi từng được xem như là một biểu tượng, là đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội, nhưng sau vài năm thi công rầm rộ thì ngừng và đến nay thì đã khai tử

Rót nghìn tỷ lấy đống sắt vụn

Dự án Nhà máy thép Vạn Lợi (Khu kính tế Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được xem là đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. Dự án được BQL KKT Vũng Áng (nay là Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh) cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2007 với tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Dự án do Công ty Cổ phần gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, ngoài ra còn có hai cổ đông chính là Công ty thép Vạn Lợi và Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản Hợp Thành (đều có trụ sở ở Hà Nội).

Mục tiêu dự án là đến tháng 8/2010, nhà máy sẽ xuất xưởng tấn phôi thép thương phẩm đầu tiên và hứa hẹn cho một nền công nghiệp gang thép tại Hà Tĩnh. Mỗi năm cho nguồn thu là 5.000 tỷ đồng, Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh nộp ngân sách cho địa phương 250 tỷ, góp phần tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho Hà Tĩnh trong tiến trình CNH- HĐH.

Tuy nhiên, Nhà máy liên hợp gang thép tại Khu kinh tế Vũng Áng sau hơn 4 năm khởi công xây dựng chỉ là một công trường ngổn ngang, không như mong đợi từ phía địa phương và những hứa hẹn của nhà đầu tư.

Nghiêm trọng hơn cả chính là khoản nợ xấu hàng trăm tỷ đồng từ các ngân hàng. Tổng số vốn vay dài hạn các ngân hàng đã giải ngân trong cả hai giai đoạn đến tháng 3/2011 là gần 741 tỷ đồng. Sau khi giải ngân, Công ty Gang Thép Vạn Lợi đã không trả được lãi và gốc theo đúng thời hạn buộc các ngân hàng ngừng giải ngân các khoản còn lại….

Không thể triển khai thêm, ngày 19/5/2015, tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án. Đến cuối năm 2018, do chủ đầu tư không có khả năng trả nợ, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh phối hợp với các đơn vị liên quan cưỡng chế, kê biên định giá toàn bộ tài sản gần 109 tỷ đồng để trả lại tiền cho các ngân hàng. Toàn bộ tài sản sau đó được bán với giá 205 tỷ đồng.

Trước sự việc trên Cơ quan CSĐT Hà Tĩnh cũng xác định đây là dự án đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát cho Nhà nước và các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh với số tiền trên 1.554 tỷ đồng và 164.889,85 USD.

Căn cứ kết quả xác minh, phục hồi tin báo, giải quyết nguồn tin về tội phạm, ngày 24/4/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng có liên quan để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật…

Mặc dù dự án được "vẽ" lên với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng nhưng hoạt động được vài năm rồi cầm chừng và nay thì khai tử...

“Chết yểu” dự án nuôi bò nghìn tỷ…

Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư là một "siêu dự án" trong lĩnh vực nông nghiệp, thuộc hàng lớn nhất miền Bắc.

Theo quyết định bổ sung quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm khảo sát thực hiện dự án mà UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành vào ngày 15/4/2015, tổng diện tích dự kiến khảo sát của dự án khoảng 6.119,28 ha; quy mô đầu tư dự kiến là 150.000 con bò/năm; tổng mức đầu tư dự kiến là 4.223 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án này, Công ty Bình Hà đã vay vốn từ BIDV. Theo thông tin từ BIDV, Công ty Bình Hà có kế hoạch vay ngân hàng này 2.190 tỷ đồng (tương ứng 76% tổng mức đầu tư) do BIDV – Chi nhánh BIDV Hà Tĩnh làm đầu mối cho vay, trong đó BIDV Hà Tĩnh sẽ đầu tư 1.200 tỷ đồng. Các chi nhánh trong hệ thống cho vay số tiền còn lại.

Dự án đã gây ô nhiễm môi trường và vấp phải phản ứng gay gắt của người dân địa phương ngay khi mới bắt đầu hoạt động. Sau 3 năm dự án nuôi bò khủng này chính thức đổ bể vào giữa năm 2018. Trong lúc ngắc ngoải, Công ty Bình Hà chuyển một phần đất trồng cỏ nuôi bò sang trồng chuối để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, do chắp vá, thiếu quản lí, thiếu vốn đầu tư nên nguồn thu từ chuối không đủ bù chi các hoạt động của công ty, nợ lương công nhân kéo dài nhiều tháng.

Liên quan đến dự án, ngày 29/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV và Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà. Cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt giam một số lãnh đạo công ty, trong đó có ông Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch BIDV).

Xét về vai trò của dự án này trong, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, Bí thư tỉnh ủy Lê Đình Sơn thừa nhận rằng đây là dự án đã mang nhiều kỳ vọng cho Hà Tĩnh nhưng đến nay phải khẳng định dự án này không thành công...

Liên quan đến dự án này, đã có những thông tin mang tới sự kỳ vọng về một sự hồi sinh của Bò Bình Hà.

Báo cáo số 17/BC-BCHCĐ ngày 6/7/2019 của Công đoàn cơ sở CTCP Chăn nuôi Bình Hà có đề nhà đầu tư mới của dự án là Công ty Thaco. Ngay sau đó, đại diện truyền thông của Thaco Group đã lên tiếng phủ nhận thông tin này.

Tuy nhiên tại Kết luật điều tra vụ án Bò Bình Hà, Cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết: "BIDV cũng đã tìm được đối tác Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Phát triển Do Holdings, Hoàng Anh Gia Lai và các đối tác tham gia hợp tác với Công ty Bình Hà, để khai thác, chuyển đổi Dự án, trên cơ sở đó đảm nhận toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho BIDV; có thể xem đây là nỗ lực của BIDV để khắc phục tối đa hậu quả của vụ án, khi toàn bộ số nợ mất khả năng thanh toán còn lại của Công ty Bình Hà được các đối tác cam kết nhận nợ và chịu trách nhiệm trả nợ thay".

Do Holdings, doanh nghiệp được cơ quan công an cho biết là đối tác mới của Bò Bình Hà, nên biết, là một pháp nhân có nhiều liên hệ tới Thadi - nhánh đầu tư nông nghiệp của Thaco Group.

Hàng chục năm lửng lơ của Sắt Thạch Khê

Ngày 17/5/2007, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng 9 cổ đông sáng lập, gồm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV (chiếm 30%); Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (24%), Tổng Công ty Thép Việt Nam (20%); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (4%), Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (5%), Tổng Công ty Sông Đà (5%), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam - Vinashin (5%), Công ty TNHH Sản xuất, XNK Bình Minh (4%), Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long (3%) đã làm lễ ra mắt Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê làm đại diện chủ đầu tư. Số vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng.

Hiệu quả kinh tế của dự án là chưa rõ trong khi hậu quả môi trường rất lớn, thấy rõ

Việc Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) đi vào hoạt động được đánh giá là một trong những bước phát triển mới và là thành công của tỉnh Hà Tĩnh trong việc thu hút các nhà đầu tư. Mục tiêu của Công ty là đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê để cung cấp quặng sắt trước hết cho nhu cầu luyện thép ở trong nước và dành một phần xuất khẩu, sau đó sẽ đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy luyện phôi thép, với công suất ban đầu 2 triệu tấn/năm và tiếp tục mở rộng khi có điều kiện thuận lợi. Để biến những kỳ vọng về mỏ sắt thành “mỏ vàng”, trong buổi lễ ra mắt, phía TIC hứa sẽ chủ động bảo đảm nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đưa dự án vào khai thác, vận hành đúng tiến độ quy định, bảo đảm hiệu quả hoạt động, thân thiện với môi trường và tạo được nhiều công ăn, việc làm cho hàng ngàn lao động.Tuy vậy, đến thời điểm hiện nay, đã hơn 13 năm trôi qua số phận của mỏ sắt Thạch Khê vẫn đang trong quá trình thương thảo. Các nhà đầu tư trong nước chưa góp đủ vốn, còn nhà đầu tư ngoại thì đang chờ đợi các quyết định cuối cùng của các cơ quan chức năng.

Theo thông tin từ Nhadatu.vn nắm được, mấy năm gần đây Hà Tĩnh quyết liệt phản đối đầu tư tiếp dự án này. Mới đây nhất, tại phiên làm việc (15/6/2020), Quốc hội thảo luận, trực tiếp tại hội trường về tình hình KT-XH, các đại biểu Hà Tĩnh tiếp tục đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh khẳng định, đã không dưới 3 lần, Đoàn đại biểu Hà Tĩnh kiến nghị tại nghị trường Quốc hội và đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu đầy đủ nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý, dù Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá đều đồng tình việc dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Trước đó, vào năm 2017, Bộ KH-ĐT đã có văn bản cho rằng “nên dừng dự án”. Trong khi đó, Bộ Công Thương, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cũng như chủ đầu tư là Công ty CP sắt Thạch Khê, không đồng tình.

Hai năm sau, vào cuối tháng 8/2019, sau khi họp hành, lấy ý kiến các bộ ngành, Bộ KH-ĐT có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị “xem xét chủ trương dừng dự án của Công ty CP Sắt Thạch Khê và giao các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung giải pháp xử lý” trong trường hợp dừng dự án.

Cụ thể, Chính phủ “chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Bộ KH-ĐT để hoàn thiện lập báo cáo trình Bộ Chính trị kết luận về chủ trương dừng Tổ hợp dự án khai thác, tuyển quặng sắt Thạch Khê và Dự án liên hợp luyện thép công suất 2 triệu tấn/năm của TIC”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.

Liệt kê hệ lụy để lại sau 10 năm dừng dự án, Bộ KH-ĐT cho rằng, dự án ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã với gần 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 946 thực hiện dở dang, chưa đạt như giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển đổi nghề cho người dân bị thu hồi đất,...

Hiện diện tích bị bỏ hoang không sản xuất được vì thiếu nước là 74,9ha.; du lịch bị ảnh hưởng do các nhà hàng, khách sạn không được đầu tư cải tạo và nâng cấp,...

Hiện số phận của Mỏ sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh cũng chưa có lối thoát và đang chìm trong tranh cãi gay gắt.

Tác giả: V.Tuân

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP