Tại hai cơ sở ở xã Đô Thành (Yên Thành-Nghệ An), công an phát hiện 17 con hổ trưởng thành bị nuôi nhốt trái phép. Ảnh: Nhật Minh |
Liên quan đến vụ nuôi nhốt 17 cá thể hổ trái phép tại huyện Yên Thành, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, 8/17 con hổ mà cơ quan chức năng thu giữ đã bị chết chưa rõ nguyên nhân.
CHANGE và WildAid Việt Nam (tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tại TP.HCM, hướng đến giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách tại Việt Nam) chia sẻ 4 nguyên nhân có thể gây ra cái chết của 8 cá thể hổ nói trên.
Hổ được người dân Nghệ An nuôi nhốt trong điều kiện không đảm bảo. Ảnh: ĐB |
Ngày 8.8, ông Trần Hiền - đại diện phát ngôn của tổ chức CHANGE và WildAid Việt Nam - cho biết:
Thứ nhất, có thể trước khi 17 con hổ này được giải cứu, người nuôi đã có ý định bán nên họ đã nhồi nước hoặc các thực phẩm khác nhau vào trong cơ thể nhằm tăng trọng lượng. Từng có những cuộc giải cứu trước đây cho thấy, nhiều trường hợp đưa về trung tâm cứu hộ không thể ăn uống gì, vài ngày sau tử vong.
Khi khám nghiệm, mổ ra cho thấy, trong xác hổ lúc đó toàn nước và thực phẩm không tiêu được, cơ quan nội tạng đã hỏng hết, mắc chứng béo phì, tim cũng có vấn đề.
Các vấn đề về sức khỏe của hổ nuôi nhốt đều có liên quan đến chế độ dinh dưỡng của hổ. Hổ nuôi nhốt thường xuyên bị béo phì, bệnh răng miệng, mất cân bằng calci hoặc phospho dẫn đến các bệnh về xương khớp. Nền chuồng không phù hợp dẫn đến các bệnh về nệm, móng chân, các hội chứng bệnh về đường tiết niệu trên họ nhà mèo như tắc nghẽn niệu quản và niệu đạo.
Ngoài ra, hổ cũng có thể bị bệnh thận, phổ biến nhất là viêm thận kẽ mạn tính. Hổ cũng mắc các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về gan. Những điều này chủ yếu là do chế độ ăn, sự căng thẳng kéo dài.
Nguyên nhân thứ 2, trong quá trình gây mê có thể xảy ra vấn đề gây mê quá liều để đảm bảo quá trình cứu hộ chuyển giao được diễn ra an toàn, dẫn đến việc hổ bị sốc dẫn đến tử vong.
Thứ 3, có thể do thiếu vật tư, xe cộ vận chuyển, chuyên gia có kinh nghiệm đi cùng. Hổ là động vật hằng nhiệt, do đó, nếu thời điểm vận chuyển hổ rơi vào lúc nóng đỉnh điểm, kèm nhiệt độ tích tụ trên thùng xe khi tấm bạt phủ tăng lên, hoặc còn do dùng/phủ miếng che đầu khiến hổ đang trong trạng thái bị gây mê sẽ không thể tự làm hạ nhiệt cơ thể qua việc hô hấp bình thường, khó thở. Điều này cũng có thể góp phần vào nguyên nhân gây tử vong đáng tiếc.
Thứ 4, cơ sở tiếp nhận không đủ thiết bị y tế và chuyên gia có kinh nghiệm khám chữa cho hổ sau cứu hộ. Việc cứu hộ và chữa trị cho hổ sau cứu hộ là việc hết sức khó khăn không phải bên nào cũng có đủ điều kiện thực hiện. Bởi sau gây mê và tỉnh dậy ở nơi lạ, hổ có thể bị stress, bỏ ăn, dư chấn sau vận chuyển, gây mê… rất dễ dẫn đến tình trạng suy kiệt rồi chết.
Do đó, rất cần 1 lượng nhân sự giàu kinh nghiệm chăm sóc, túc trực kiểm tra 24/7.
Bên cạnh đó, hổ thu giữ từ vụ án có trọng lượng từ 200 - 265kg, trong khi đó, cân nặng trung bình cho hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti) là từ 100 - 195kg, hổ thừa quá nhiều cân so với tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, thông qua các video phóng sự có thể thấy, phần lớn hổ bị bắt bắt đều có điểm thể trạng là từ 4 - 5 (mức thừa cân vừa và nặng đối với loài hổ).
Về chuồng nuôi nhốt, 17 hổ nuôi trong chuồng ở tầng hầm, 14 hổ được nuôi trong chuồng tổng diện tích 80m2 (5,7m2/cá thể), 3 hổ được nuôi trong chuồng tổng diện tích 120m2 (khoảng 40m2/cá thể).
Theo CHANGE và WildAid Việt Nam, có thể thấy, hổ tại Nghệ An được nuôi nhốt trong điều kiện vô cùng tồi tệ.
Đồng thời, vì hổ là loài hoạt động đơn độc, ý thức lãnh thổ cao, việc nuôi nhốt chung các cá thể khác, nhốt nhiều cá thể trong một không gian hẹp khiến chúng có thể ngửi/ nhìn thấy nhau mà không được có các tác động vật lý cũng là một nguyên nhân khiến hổ bị căng thẳng…
Ngày 8.8, trao đổi với PV, ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) cho biết: Ý kiến phân tích của tổ chức CHANGE và WildAid Việt Nam về nguyên nhân có thể gây ra cái chết cho 8 cá thể hổ ở Nghệ An là xác đáng, toàn diện và sâu sắc.
Tác giả: QUANG ĐẠI
Nguồn tin: Báo Lao động