Trong nước

9 nhân sự Trung ương giới thiệu không trúng cử đại biểu Quốc hội

Trung ương giới thiệu về TPHCM 13 người, 6 người không trúng cử; giới thiệu về Sóc Trăng 3 người, một người không trúng cử; Trà Vinh, Vĩnh Long mỗi tỉnh một trong số 2 người được giới thiệu trúng cử.

Sáng 15/7, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết cuộc tổng tuyển cử ngày 23/5/2021 diễn ra trước ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới.

45 vạn ứng viên để người dân lựa chọn người đại diện

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ khẳng định, cuộc bầu cử vừa qua là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và thành công rất tốt đẹp, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.

Chủ tịch Quốc hội nêu con số, cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất với gần 70 triệu lá phiếu của cử tri lựa chọn trong số gần 45 vạn người ứng cử để bầu chọn những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho mình tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều cử tri ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, những người đang phải điều trị hoặc cách ly y tế phòng, chống dịch vẫn hăng hái tích cực tham gia bỏ phiếu bằng ý chí và tinh thần dân tộc, vì vậy tỷ lệ cử tri bầu cử rất cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc.

Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tính đến 17h ngày 2/7/2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia tiếp nhận tổng số 220 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo và phản ánh về bầu cử và ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, giảm 22% so với kỳ bầu cử trước.

Số vụ việc khiếu nại, tố cáo về bầu cử, nhất là các đoàn đông người, phức tạp giảm nhiều, số lượng đơn thư gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ bằng 18% so với kỳ bầu cử trước.

Theo ông Mẫn, điều này cho thấy cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu, lựa chọn người ứng cử; làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cấp cơ sở.

13 ứng viên TƯ giới thiệu về TPHCM, 6 người không trúng cử

Về kết quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong cuộc bầu cử ngày 23/5/2021, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử theo quy định của pháp luật, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật đối với một trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Bình Dương. Do đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin về lý do cả nước bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội nhưng chỉ 499 người được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội.

Nêu một số bất cập, hạn chế, ông Mẫn thông tin, việc xác định quyền bầu cử của cử tri cách ly y tế tập trung còn lúng túng, nhất là cử tri được cách ly y tế tập trung tại đơn vị hành chính cấp xã mình cư trú. Cơ cấu đại biểu trúng cử có nơi chưa đạt, một số trường hợp nhân sự do Trung ương giới thiệu về địa phương ứng cử nhưng không trúng cử.

Cụ thể, Trung ương giới thiệu về TPHCM 13 người nhưng có 6 người không trúng cử; giới thiệu về Sóc Trăng 3 người nhưng có một người không trúng cử; Trà Vinh, Vĩnh Long mỗi tỉnh được Trung ương giới thiệu 2 người nhưng mỗi tỉnh chỉ có một người trúng cử.

Ở một số khu vực bầu cử còn để xảy ra nhầm lẫn trong việc đóng dấu phiếu bầu; sai sót trong in ấn tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên, danh sách chính thức người ứng cử không sắp xếp đúng thứ tự; phiếu bầu in sai tên đệm của một số ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã. Vẫn còn một số ít đơn vị hành chính cấp xã chưa bầu đủ số lượng đại biểu cần bầu, phải tổ chức bầu cử thêm; còn 5 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã phải tổ chức bầu cử lại...

Tuy nhiên, Hội đồng Bầu cử quốc gia đánh giá, những sai sót, khiếm khuyết nói trên chỉ là cá biệt và đều đã được các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử khắc phục, xử lý kịp thời theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo thông tin về kinh phí sử dụng trong cuộc bầu cử.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thì thông tin con số hơn 1.700 tỷ đồng được chi phục vụ bầu cử. Cụ thể, bà Trà cho biết, Bộ Tài chính đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp số tiền này làm kinh phí phục vụ bầu cử năm 2021 cho các Bộ, ngành, địa phương.

Trong đó sử dụng nguồn kinh phí bầu cử trong phạm vi tổng mức đã được Hội đồng bầu cử quốc gia, Thủ tướng Chính phủ quyết định là 1.500 tỷ đồng. Bổ sung từ nguồn dự toán chi quản lý hành chính ngân sách Trung ương năm 2021 đã được Quốc hội quyết định là gần 210 tỷ đồng.

Kinh phí phục vụ cho cuộc bầu cử còn hạn hẹp do phát sinh nhiều khoản chi liên quan đến thực hiện nghiệp vụ bầu cử trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid - 19. Nhiều địa phương phụ thuộc chủ yếu chi thường xuyên từ ngân sách Trung ương nên gặp nhiều khó khăn, cần tiếp tục có biện pháp xem xét, giải quyết, Bộ trưởng nêu khó khăn.

Tác giả: Phương Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP