Du lịch

Áng hùng văn 700 năm trên vách núi xứ Nghệ

Kỷ công bia văn Ma nhai là tấm bia khắc trực tiếp trên vách núi Thành Nam, xã Chi Khê (Con Cuông – Nghệ An) đã gần 700 năm tuổi.

Núi Thành Nam – nơi khắc bia Ma nhai.

Thái thượng hoàng Trần Minh Tông sau khi dẹp yên bờ cõi miền Tây Nghệ An, đã sai Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn soạn thảo nội dung rồi khắc trên vách núi cao. Gần 7 thế kỷ trôi qua, nội dung văn bia vẫn rất rõ ràng, thể hiện rõ tinh thần và hào khí Đông A.

Mài núi khắc văn bia

Núi Thành Nam nằm giữa một cánh đồng lúa bên Quốc lộ 7, cách thị trấn Con Cuông không xa. Tại ngọn núi này, 686 năm về trước, Thái thượng hoàng Trần Minh Tông cùng quân sĩ sau trận chiến biên giới thắng lợi đã tạm nghỉ tại đây trước khi hồi kinh.

Theo nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ, loại văn bia Ma nhai ở nước ta không nhiều, và thường là để ghi lại các cuộc hành quân hay tuần du của vua chúa. Một số văn bia Ma nhai được tìm thấy ở nước ta, như “Thân chinh Phục Lễ Châu Đèo Cát Hãn” ở Lai Châu và Hòa Bình của vua Lê Thái Tổ. Bia Ma nhai “Quế Lâm ngự chế” của vua Lê Thái Tông hay các bài thơ khắc trên vách núi tại động Hồ Công của vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông...

Theo người dân xã Chi Khê, Ma nhai (ma: Mài - nhai: Vách núi) là bia khắc trực tiếp lên núi đá - mài vách núi viết bia. Theo Sở VH-TT&DL Nghệ An: Văn bia Ma nhai khắc vào mùa đông năm Ất Hợi, niên hiệu Khai Hựu thứ 7 (1335) sau chiến thắng của Thái thượng hoàng Trần Minh Tông.

Triều đại nhà Trần sau 3 lần đại thắng quân xâm lược Mông Cổ nhanh chóng bắt tay vào việc phục hồi và phát triển đất nước. Dưới sự trị vì của các vị vua sáng nhà Trần cùng các tôi hiền tướng giỏi thì uy thế của Đại Việt ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, trong thời gian này các tù trưởng địa phương cũng như các nước láng giềng thường đem quân quấy phá biên ải.

Sau khi đánh dẹp Ngưu Hống ở Đà Giang, lại xảy ra việc chúa Ai Lao tên là Bổng gây hấn vùng biên phía Tây của Nghệ An. Năm Ất Hợi niên hiệu Khai Hựu thứ 7 (1335) đời vua Trần Hiến Tông, Thái thượng hoàng Trần Minh Tông đích thân chỉ huy quân đội cùng những hiệu lệnh nghiêm minh đã khiến uy danh vang dội khắp nơi.

Vì thế, quân Ai Lao vừa nghe thấy tiếng quân nhà Trần đã chạy tán loạn. Thượng hoàng liền lệnh cho Phát vận sứ Nguyễn Trung Ngạn soạn văn khắc vào vách núi để kỉ niệm chiến thắng. Vua đốc thợ mài đá núi, đục chữ ghi lại chiến công rạng rỡ trên vòm núi đá vôi ngay trên đất Mật Châu, gọi là “Ma nhai kỷ công bi văn”.

Áng hùng văn trên vách núi

Nội dung bia do Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn soạn thảo.

Bia Ma nhai được công nhận Di tích cấp quốc gia từ năm 2011.

Theo các nhà nghiên cứu, không giống như các bia đá khác, bia Ma nhai khắc trực tiếp lên núi đá Thành Nam không ghi rõ người soạn, người viết chữ, kể cả hoa văn trang trí. Tuy nhiên, những điều này lại được các bộ chính sử như “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên hay “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn nhắc đến và cho biết tác giả là Nguyễn Trung Ngạn.

Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp khoa Giáp Thìn niên hiệu Hưng Long thứ 12 đời vua Anh Tông triều Trần (1304). Ông được Phan Huy Chú đánh giá là một trong mười người phù trợ có công lao thời Trần, ngang hàng với Thượng tướng Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi…

Nội dung bia Ma nhai được dịch như sau: “Đời vua thứ sáu triều Trần nước Đại Việt, Thái thượng hoàng đế Chương Nghiêu Văn Triết nhận được mệnh trời, làm chủ hết cả bốn cõi, khắp trong đất ngoài bể không ai không thần phục, thế mà nước Ai Lao nhỏ bé kia còn ngang ngạnh với giáo hóa của triều đình. Cuối thu năm Ất Hợi, nhà vua thống lĩnh sáu quân đi tuần ở cõi Tây.

Thế tử nước Chiêm Thành, nước Chân Lạp, nước Tiêm và tù trưởng đạo thần là Quỳ, Cầm, Xa, Lặc rồi các bộ mán mới phụ thuộc là tù trưởng rợ Bôi Bồn và rợ Thanh Xa đều dâng sản vật của địa phương mình và tranh nhau đón rước.

Chỉ một mình tên giặc Bổng (chúa Ai Lao) cứ giữ thói u mê, sợ tội mà chưa tới chầu ngay. Đến cuối đông, vua đóng quân ở cánh đồng Cự Đồn thuộc Mật Châu rồi lệnh cho các tướng cùng với quân lính mọi rợ vào tận nơi ở của chúng. Tên giặc Bổng nghe uy thế liền trốn chạy, vua bèn xuống chiếu đem quân về. Ngày tháng 12, đông nhuần, năm Ất Hợi, niên hiệu Khai Hựu thứ 7, khắc vào đá”.

Văn bia ngắn gọn, khắc sâu trên vách núi xứng đáng là một áng hùng văn - minh chứng cho hào khí Đông A, cũng như ý chí bảo vệ bờ cõi của vương triều Trần và quân dân Đại Việt. Áng hùng văn cũng là lời nhắc nhở, răn đe những tù trưởng hay thủ lĩnh có mưu đồ chống lại sự ổn định và thống nhất đất nước.

Nơi áng hùng văn được khắc cũng chính là địa bàn thành Trà Lân - nơi gần một thế kỷ sau (năm 1424) nghĩa quân Lam Sơn dưới cờ Bình Định Vương Lê Lợi đã làm nên chiến công “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”, đánh bại quân Minh xâm lược.

Với bà con dân tộc Thái ở xã Chi Khê, núi Thành Nam không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là vùng đất thiêng. Có lẽ vì thế mà bia Ma nhai có thể tồn tại trọn vẹn trên vách núi sau 7 thế kỷ.

Theo Sở VH-TT&DL Nghệ An, toàn bộ văn bia Ma nhai chỉ có 14 dòng với 155 chữ, khắc sâu trên vách núi đá vôi, ngoảnh mặt trông ra sông Lam. Tháng 7/2011, Bộ VH-TT&DL đã công nhận bia Ma nhai là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Tác giả: Trần Hoà

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP