Ngoại trưởng Anh Boris Johnson |
Hôm thứ Hai (21/5), Ủy ban Quốc tế của Nghị viện Anh kêu gọi chính phủ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại một số lượng lớn những người có liên quan tới chính quyền Nga, cũng như vi phạm nhân quyền, và siết chặt các biện pháp trừng phạt.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ các Ngoại trưởng G20 tại Buenos Aires (Argentina), ông Johnson tuyên bố: "Tôi nghĩ rằng hiệu quả của một số biện pháp trừng phạt của Mỹ, đặc biệt đối với một số cá nhân là có, và tôi cũng nhận thấy điều này, nhưng chúng tôi có hệ thống riêng của mình và cách tiếp cận riêng".
"Có một vấn đề rộng hơn về những gì nước Anh có thể làm để đối phó với những người gần gũi với Putin, những người có thể kiếm được tiền bất hợp pháp", ông Johnson nói thêm.
Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Anh còn tuyên bố rằng nước Anh không thể phát triển chế độ trừng phạt của riêng mình khi nước này còn đang thuộc EU, vì thế London cần phối hợp tất cả các bước với các thành viên khác thuộc Liên minh châu Âu (EU). Theo ông Johnson, sau khi rời khỏi EU, Anh sẽ có cơ hội giữ một lập trường cứng rắn hơn".
Ngay sau khi Ngoại trưởng Anh tuyên bố sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã thông qua đạo luật "Về các biện pháp đối phó trước các hành động không thân thiện của Hoa Kỳ và các quốc gia khác". Đạo luật này sẽ có hiệu lực kể từ ngày được chính thức công bố.
Duma Quốc gia Nga thông qua đạo luật trừng phạt đáp trả |
Đạo luật do một nhóm đại biểu Duma quốc gia khởi xướng, đứng đầu là Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin. Đạo luật này cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt đáp trả để đáp lại những hành động không thân thiện đối với Nga của Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã ủng hộ trừng phạt chống Nga.
Các biện pháp trừng phạt đáp trả có thể được áp dụng đối với các quốc gia, các tổ chức pháp lý của quốc gia đó, cũng như các quan chức và công dân quốc gia đó.
Đạo luật cho phép ngừng hoặc đình chỉ hợp tác quốc tế trong một số lĩnh vực nhất định, cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu sản phẩm và nguyên liệu, cũng như tham gia mua sắm công hoặc tư nhân tài sản nhà nước và thành phố.
Theo quyết định của Tổng thống, Chính phủ có quyền đưa ra các biện pháp khác nhau, tuy nhiên các biện pháp trừng phạt đáp trả này không được áp dụng cho nhóm hàng hóa thiết yếu mà Nga và các nước khác không sản xuất được, cũng như đối với hàng hóa mà công dân Nga nhập khẩu cho mục đích sử dụng cá nhân.
Các quyết định tương đương cũng có thể được Tổng thống đưa ra trên cơ sở đề xuất từ phía Hội đồng Bảo an Liên bang Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donlad Trump, Thủ tướng Anh May |
Mối quan hệ giữa Nga và Vương quốc Anh trở nên căng thẳng sau vụ việc ở Salisbury hồi đầu tháng Ba (4/3) – cựu điệp viên hai mang Skripal và con gái Yulia được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh tại thành phố Salisbury. Họ đã được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê.
Ngay lập tức Anh đã cáo buộc Moscow liên quan vụ việc, đồng thời xác định chất độc thần kinh Novichok được sử dụng trong vụ đầu độc nói trên được sản xuất tại Nga.
London từ chối cung cấp cho Moscow thông tin về vụ việc, và các nhà ngoại giao Nga không được phép gặp Sergei Skripal và con gái mình.
Vì vụ cựu điệp viên Skripal dẫn đến căng thẳng ngoại giao Nga –Anh, Nga – phương Tây, London đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Để ủng hộ Anh, một loạt các nước Liên minh châu Âu EU, Hoa Kỳ và một số nước khác tuyên bố trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga.
Trong khi đó, Moscow luôn bác bỏ các cáo buộc trên của phía Anh. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây cho biết một phòng thí nghiệm của Thụy Sĩ đã xác định chất được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal là BZ. Theo Ngoại trưởng Lavrov, chất độc này chưa từng được sản xuất tại Nga, nhưng lại rất phổ biến tại Anh, Mỹ và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác.
Ngoài ra, Moscow cũng tiến hành trục xuất số lượng các nhà ngoại giao tương ứng, đóng cửa Hội đồng Anh và Tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố St.Peterburg.
Tác giả: Đức Dũng (Lược dịch)
Nguồn tin: infonet.vn