![]() |
Khu dân cư ven sông Lam đoạn qua xã Con Cuông, Nghệ An bị ngập sâu trưa 23-7 - Ảnh: DOÃN HÒA |
Trưa 23-7, phóng viên Tuổi Trẻ Online có mặt trên tuyến quốc lộ 7 đoạn qua eo Vực Bồng, xã Con Cuông, tỉnh Nghệ An - nơi lực lượng chức năng đang cắm biển cấm người và phương tiện qua lại do quốc lộ 7 bị ngập sâu từ 1-2m.
Quốc lộ 7 là tuyến đường độc đạo nối các địa phương miền xuôi lên các xã Tương Dương, Mường Xén đi qua nước bạn Lào. Do nhiều đoạn đang bị ngập lụt, chia cắt suốt từ đêm 22-7 nên lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở vùng lũ đang thực hiện phương châm "bốn tại chỗ": lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Trời hửng nắng, ngớt mưa nhưng nước sông Lam qua xã Con Cuông tiếp tục dâng, chảy cuồn cuộn cuốn theo nhiều gỗ củi, rác do nước từ thượng nguồn đổ về mạnh.
Theo người dân xã Con Cuông, từ chiều 22-7 khi nhận thông tin thủy điện Bản Vẽ xả nước, chính quyền địa phương đã triển khai lực lượng và các biện pháp bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân.
Tuy nhiên, đến 1h sáng 23-7 nước sông Lam bất ngờ dâng lên rất nhanh, người dân không kịp ứng cứu tài sản. Nhiều người dân thôn Vĩnh Hoàn có nhà ngập tới nóc đành lấy thuyền làm nơi cư ngụ tạm thời, chờ nước rút.
Lùa đàn heo đi tránh lũ, bà Vy Thị Hoạt - 64 tuổi, ngụ thôn Nà Vạt, xã Con Cuông - cho biết hơn 30 năm qua gia đình bà sống gần sông Lam nhưng chưa bao giờ chứng kiến nước lũ từ sông dâng lên nhanh như tối 22-7.
"Những đợt mưa lũ hằng năm, nước sông chỉ dâng tới mấp mé ngoài vườn. Cả đêm qua nhà tôi thức trắng vì nước lên từng giờ. Đến sáng nay, nước đã ngập nửa nhà", bà Hoạt nhớ lại.
![]() |
Người dân xã Con Cuông, Nghệ An lùa đàn heo đi tránh lũ |
Những tài sản có giá trị như tivi, quạt, nồi cơm điện tới mấy bao lúa được ông bà kê cao cẩn thận. Vậy nhưng vừa kê lên tới đâu thì nước dâng lên tới đó. "Trong nhà không có chỗ kê nữa nên tôi phải nhờ sang gửi hàng xóm để cứu lấy tài sản", bà Hoạt kể.
Kế bên nhà bà Hoạt, chị Vũ Thị Hà vừa đưa hai đứa con nhỏ và người mẹ năm nay đã 70 tuổi qua nhà văn hóa thôn tránh lũ. Trở về nhà, người phụ nữ lại tất tả kê tạm chiếc bàn lên cao làm nơi trú cho đàn gà, ngan. Hơn một sào vừng ở bãi vừa thu hoạch không kịp chạy bị ngâm nước lũ đã hư hỏng hết.
"Nhìn nước lên nhanh từng giờ tràn vào nhà, chúng tôi rất nóng ruột. Chỉ mong sao phía thượng nguồn ráo mưa, thủy điện giảm xả lũ để giảm thiệt hại cho bà con vùng hạ du", chị Hà nói.
Thông tin từ xã Con Cuông, hiện có 340 hộ dân bị ngập từ 0,5-2m.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão, mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 (bão Wipha) theo chỉ đạo với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, hoàn lưu bão gây ra. |
Hình ảnh vùng lũ xã Con Cuông, tỉnh Nghệ An trưa 23-7:
![]() |
Đoạn eo Vực Bồng đang bị ngập sâu hơn 1m chia cắt quốc lộ 7 lên các xã Tương Dương, Mường Xén |
![]() |
Lực lượng bộ đội dùng ca nô tới các vùng lũ ứng cứu, sơ tán người dân |
![]() |
Do nước dâng cao nên người dân đi lại chủ yếu bằng thuyền |
![]() |
|
![]() |
|
![]() |
Nhiều gia đình ở xã Con Cuông, tỉnh Nghệ An di dời tài sản khi nước lũ dâng |
![]() |
Nông sản của người dân vừa thu hoạch không kịp di dời bị hư hỏng |
![]() |
Chị Vũ Thị Hà - 35 tuổi, ngụ xã Con Cuông, Nghệ An kê cao đàn gà tránh lũ |
![]() |
Ông Phạm Công Sơn - 65 tuổi, ngụ xã Con Cuông, Nghệ An bất lực khi không kịp di dời tài sản |
![]() |
Khu dân cư ở xã Con Cuông, Nghệ An ngập sâu trưa 23-7 |
![]() |
Người dân Con Cuông, Nghệ An tá túc trên thuyền chờ nước rút |
![]() |
Mưa ngớt nhưng nước lũ ở sông Lam vẫn còn dâng cao |
Tác giả: Doãn Hòa
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ