Quyền lực trong tay Hiệu trưởng quá lớn?
Chủ trương trường không trực thuộc sự quản lý của bộ GD&ĐT đã có từ lâu, nhưng chưa thực hiện được bởi nhiều lý do. Vừa qua, với quyết tâm của Chính phủ cũng như của bộ GD&ĐT cuối cùng cũng giao cho 3 trường làm thí điểm. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng vụ Đại học, bộ GD&ĐT ủng hộ việc này và cho rằng, đối với các trường đại học, kinh nghiệm thế giới đã cho thấy, các trường chỉ mạnh nếu thỏa mãn 2 điều kiện: Tự chủ và có trách nhiệm giải trình.
“Trường đại học là nơi tập trung nhiều trí tuệ, vậy nên nó chỉ mạnh khi được tự chủ. Tuy nhiên, việc tự chủ muốn đảm bảo dân chủ thì các trường phải có trách nhiệm giải trình với sinh viên, giảng viên, xã hội và cơ quan quản lý Nhà nước. Khái niệm tự chủ đã được đưa vào Việt Nam ở luật Giáo dục năm 1998. Tuy nhiên đến nay nó vẫn trong quá trình thực hiện. Tôi vẫn băn khoăn việc 3 trường bắt đầu được giao triển khai thí điểm”, GS. Thiệp nói.
GS. Lâm Quang Thiệp. Ảnh internet |
Giải thích về điều này, ông Thiệp nói: “Trước hết là quyền lực của hiệu trưởng, nhiều người băn khoăn nếu quyền lực giao hết vào tay họ. Để giải bài toán này, như tôi đã nói là phải tự chủ trong dân chủ, vậy muốn làm được điều đó, phải có hội đồng trường. Như cơ chế hoạt động, điều hành của một đất nước, bên cạnh Chính phủ, phải có Quốc hội. Hội đồng trường phải có quyền thực hiện nhiều quyết định lớn, giám sát việc thực hiện bộ máy của hiệu trưởng, cũng như có quyền bổ nhiệm hay bãi nhiệm”.
Việc làm sao để hội đồng trường hoạt động hiệu quả được GS. Thiệp đánh giá là vấn đề mấu chốt: “Trong thực tế, hội đồng trường không phải là khái niệm mới ở nước ta khi nó đã được xuất hiện trong một văn bản pháp quy từ năm 2003 (Quyết định 153/2003/QĐ-TTg). Tuy vậy, suốt những năm qua, hội đồng trường tại toàn bộ hệ thống giáo dục đại học hầu như chưa bao giờ hoạt động như một hội đồng quyền lực đúng nghĩa. Lần này, phải có cơ chế để nó hoạt động hiệu quả, có như thế mới kiểm soát được quyền lực của hiệu trưởng”.
“Thứ 2, là tấm bằng của sinh viên. Mặc dù hiện tại, trường đại học khi được đào tạo sẽ được cấp bằng. Nhưng việc đó vẫn qua sự giám sát lớn của bộ GD&ĐT, từ đào tạo cho đến chỉ tiêu tuyển sinh. Tôi lo lắng rằng, khi được tự chủ, các trường tuyển sinh tràn lan, từ đó dẫn đến việc mất giá trị của tấm bằng”, ông Thiệp nói.
Cuối cùng, ông Thiệp đưa ra băn khoăn về học phí của sinh viên: “Việc rút khỏi bộ chủ quản đồng nghĩa với việc các trường thoải mái quyết định về học phí. Điều này sẽ là khó khăn đối với sinh viên và xã hội”.
Đưa ra giải pháp về những vấn đề của mình đã nêu, GS. Lâm Quang Thiệp chia sẻ: “Các trường tự chủ càng phải chịu sự thanh tra, kiểm soát chất lượng của cơ quan quản lý và chấp hành các nguyên tắc đảm bảo chất lượng và giải trình trách nhiệm về tài sản công được sử dụng và chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục, nghiên cứu cho xã hội... Bộ GD&ĐT và Chính phủ cần nghiên cứu để việc thực hiện thí điểm của 3 trường này đảm bảo thành công và có thể nhân rộng”.
“Chúng tôi chưa mường tượng được hết...”
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội (1 trong 3 trường được giao thí điểm thực hiện) cho biết: “Việc thực hiện rời khỏi sự quản lý của Bộ, chúng tôi chưa thể mường tượng hết. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gặp lãnh đạo 3 trường cách đây khoảng 1 tháng và giao nhiệm vụ cho các trường xây dựng đề án. Trong đề án này, các trường phải nêu ra sẽ hoạt động thế nào, khi mà bộ GD&ĐT lúc đó đóng vai trò của một cơ quan quản lý Nhà nước. Vai trò của hội đồng trường như thế nào...”.
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội. |
“Hiện nay, các trường đều có một nhóm để thực hiện việc này, dự kiến sẽ hoàn thành theo đúng yêu cầu của Bộ trưởng là hết tháng 8 năm nay, sau đó sẽ trình lên các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Vì là mới, các trường cũng đang cùng trao đổi mô hình, để làm sao mỗi trường sẽ có mô hình tốt nhất”, ông Tớp cho biết.
Về phía trường ĐH Bách Khoa, ông Tớp nói: “Chúng tôi vẫn chưa làm được nhiều việc. Đây là thời điểm đang tập trung làm cấp tập. Còn nhiều băn khoăn, như việc nếu không còn bộ chủ quản, trách nhiệm và vai trò của các cơ sở giáo dục đến đâu?”.
“Tự chủ ĐH bao gồm nhiều vấn đề từ tài chính, tổ chức, công tác nhân sự... Hiện nay, trường đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo đề án tự chủ. Theo đó, trường không nhận ngân sách Nhà nước, được quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ; xác định chỉ tiêu tuyển sinh; quyết định chương trình đào tạo, giáo trình; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ; quyết định liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài và trong nước... Việc phân chia quyền như thế nào?
Trước nay, Bộ can thiệp rất sâu vào việc của các trường, với chủ trương tự chủ cũng đã “thả” dần, nhưng chưa thực sự tạo sự thông thoáng. Ví du như: Bổ nhiệm, cơ cấu tổ chức... thì tôi nghĩ là khi rời bộ chủ quản sẽ bỏ được điều này”, ông Tớp băn khoăn.
Cuối cùng, ông Tớp nói: “Nhiều năm nay, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đều tiên phong trong đổi mới. Đây là cơ hội cũng là trách nhiệm. Vậy nên chúng tôi sẽ làm kỹ và trình một đề án tốt nhất. Nghiên cứu nước ngoài, áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam”.
Tác giả: Công Luân
Nguồn tin: Báo Người đưa tin