Tin trong tỉnh

“Bãi tắm heo” tiềm ẩn dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành nhiều địa bàn trên cả nước, song, ở Nghệ An, “dịch vụ tắm heo” vẫn diễn ra bình thường, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao.

Để khống chế dịch tả lợn châu Phi lây lan, những ngày qua, Nghệ An đã tập trung chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác kiểm soát, phòng ngừa. Song, tại một số địa bàn, “dịch vụ tắm heo" vẫn hoạt động bình thường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao.

Nguy cơ lây dịch tả lợn châu Phi từ các "bãi tắm heo" ở một số địa phương trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Hùng

Dọc theo Quốc lộ 1A đi qua địa bàn xã Diễn Yên, Diễn Hồng (Diễn Châu) bắt gặp nhiều biển quảng cáo “tắm heo” ở bên đường. Ghi nhận tại một cơ sở tắm heo hướng Bắc - Nam, một chiếc xe tải chở lợn đang dừng ở bãi đất trống và được chủ cơ sở dùng vòi nước công suất lớn tắm cho đàn lợn.

Ông Chu Quang Yên, chủ cơ sở tắm heo tại xã Diễn Hồng cho biết, cứ có xe vào bãi là có người ra bật cầu dao để tắm cho lợn; mỗi lượt tắm, 50.000 đồng. Hiện, do thị trường Trung Quốc không tiêu thụ nhiều như các năm trước nên việc tắm “heo” cũng ít đi, chủ yếu xe chở lợn từ Bắc vào Nam.

Hiện, việc vận chuyển động vật, đặc biệt là xe chở lợn qua địa bàn Nghệ An, được các lực lượng chức năng kiểm soát, kiểm dịch nghiêm ngặt để tránh lây lan dịch tả lợn châu Phi từ ổ dịch giáp ranh là Thanh Hóa.

Song, theo phản ánh của người dân thì tại các "bãi tắm heo", trong quá trình hoạt động chưa thấy lực lượng chức năng nào giám sát, tiêu độc khử trùng, trong khi nước thải từ việc tắm heo sẽ chảy xuống ao, hồ nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.

Ông Nguyễn Trọng Bốn - Trạm trưởng Trạm Thú y Diễn Châu cho biết, sau khi có công văn về phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đơn vị phân công cán bộ xuống tận hộ chăn nuôi lợn để tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng bệnh.

Đồng thời, yêu cầu các hộ làm nghề "tắm heo" dọc Quốc lộ 1A phải mua thuốc tiêu độc khử trùng khi xe chở động vật vào bãi, chủ động rắc vôi bột tại điểm ra vào bãi tắm. Giao cho các hộ phát hiện dấu hiệu lợn dịch, báo ngay với địa phương để xử lý kịp thời, tuyệt đối không để dịch tràn vào địa bàn.

Theo đó, dọc tuyến Quốc lộ 1A từ Thị xã Hoàng Mai vào huyện Nghi Lộc có khoảng 15 biển quảng cáo "tắm heo", hàng chục địa điểm rửa xe ô tô. Mỗi ngày, có khoảng 10 - 12 xe chở lợn đi qua, chủ yếu lợn được vận chuyển từ phía Bắc vào Nam để tiêu thụ. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 9 tỉnh, thành phía Bắc.

Do vậy, công tác phòng chống dịch, tại các cơ sở "tắm heo", phải có sự giám sát chặt chẽ, từ phía cơ quan chức năng mới khống chế được dịch bệnh.

TP. Vinh: Cả hệ thống chính trị vào cuộc với dịch tả lợn châu Phi

Theo đó, Thành phố đã xây dựng kịch bản ứng phó khẩn cấp, với 2 tình huống: khi dịch tả lợn châu Phi chưa xâm nhiễm, phải phòng chống, và xử lý kịp thời khi phát hiện tại địa bàn.

Người chăn nuôi chủ động rắc vôi bột khu chuồng trại phòng chồng dịch tả lợn. Ảnh: Võ Huyền

Đồng thời lập 1 chốt kiểm dịch, và 2 tổ công tác lưu động liên ngành, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, để phòng chống dịch...

Tại cuộc họp, các ý kiến thảo luận việc triển khai như: Huy động tổng lực cả hệ thống chính trị tập trung phòng chống dịch, nhất là khi dịch chưa xâm nhiễm, và khi dịch xảy ra trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về diễn biến dịch, phòng ngừa và xử lý khi có dịch. Ngoài các tổ liên ngành của thành phố, các phường, xã cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn.

Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng, và có thể chết 100% số lợn mắc bệnh; hiện chưa có vắc xin và thuốc đặc trị căn bệnh này.

Quảng Bình: Chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Tính đến ngày 20-2-2019, toàn tỉnh Quảng Bình có 279.475 con lợn (giảm 16.240 con so với tháng 1-2019), trâu 33.710 con, bò 102.645 con, gia cầm 3.496.570 con.

Thực hiện nghiêm việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn

Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp, cho biết, hiện Quảng Bình chưa xuất hiện bệnh DTLCP, tuy nhiên, nguy cơ bệnh phát sinh, lây lan vào địa bàn tỉnh là rất lớn. Bởi, DTLCP không khác biệt so triệu chứng bệnh dịch tả lợn cổ điển.

Việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn tỉnh diễn ra thường xuyên, liên tục; việc kiểm tra, báo cáo tình hình dịch bệnh ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, 2 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật Bắc, Nam không đủ chức năng dừng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua tỉnh.

Chỉ kiểm tra được phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi vào địa bàn. Ý thức tự giác về công tác phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn nhiều hạn chế…

Trang trại của ông Hoàng Văn Long, thôn Tiên Sơn, xã Quảng Tiên, TX. Ba Đồn, có khoảng 30 con lợn nái, trên 100 lợn thịt. Ông Long cho biết: “Những ngày qua,tôi có nắm thông tin trên các phương tiện truyền thông về tình hình bệnh DTLCP đang xảy ra ở một số tỉnh phía Bắc.

Vì loại bệnh này chưa có vắc xin phòng ngừa, nên để thực hiện tốt công tác ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm, gia đình tôi đã thực hiện nghiêm các biện pháp như: hạn chế các tiếp xúc bên ngoài để tránh đến mức thấp nhất nguy cơ mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhiễm vào đàn lợn.

Bảo đảm nguồn thức ăn, con giống chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng… Cuối năm 2018, gia đình cũng đã thực hiện tiêm đầy đủ các liều vắc xin phòng bệnh LMLM cho đàn lợn”.

Cũng như ông Long, ông Lưu Văn Hiền xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, ông Đinh Thanh Minh, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa… đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, ngừa dịch bệnh cho đàn lợn của gia đình chu đáo.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết, Chi cục đã khẩn trương triển khai các biện pháp cụ thể, kịp thời để phòng, ngừa dịch bệnh.

Cụ thể, đã ứng 40.000 liều vắc xin LMLM type O và 2.727 lít hóa chất tiêu độc khử trùng các loại, để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM, nhằm bao vây, khống chế và dập tắt dịch trong diện hẹp.

Hiện, các địa phương đã khẩn trương tiêm phòng và vệ sinh tiêu độc, khử trùng, nhờ vậy dịch bệnh được kiểm soát tốt. Ngoài ra, các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi chủ động thực hiện vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, xung quanh vùng nuôi, mua thêm hóa chất, vôi bột... để triển khai thực hiện.

Ngoài ra, công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, được Chi cục thực hiện nghiêm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chi cục cũng thường xuyên cập nhật tình hình bệnh DTLCP, hướng dẫn, khuyến cáo người dân dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng, chống.

Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tiêm phòng bao vây khi có dịch xảy ra.

Mặt khác, thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, nhất là vùng biên giới, vùng giáp ranh với tỉnh khác và vùng nguy cơ cao.

Các địa phương trong tỉnh tập trung phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; xử lý dứt điểm các ổ dịch cũ, không để phát sinh ổ dịch mới.

Lực lượng chức năng kiểm soát 24/24 giờ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại 2 chốt kiểm soát dịch bệnh Bắc, Nam. Đặc biệt, ngăn chặn lợn và các sản phẩm lợn từ các tỉnh đang có bệnh DTLCP vào địa bàn tỉnh...

Tác giả: An Như

Nguồn tin: Báo Kinh tế nông thôn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP