Kinh tế

Bán lẻ truyền thống trước sức ép cạnh tranh

Các chuyên gia thương mại ghi nhận, từ khi có hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), hệ thống chợ truyền thống mất dần "ngôi vị" trong phân phối hàng hóa.

Quầy sạp sạch sẽ và bán đúng giá niêm yết là cách mà các chợ truyền thống đang thực hiện để giữ chân khách

Theo số liệu của Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, nếu năm 2016 tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua sản phẩm ở chợ truyền thống là 31%, thì năm 2017 giảm còn 11% và hiện nay còn 10%. Các tiệm tạp hoá nhỏ lẻ xu hướng giảm cũng đang gia tăng, từ 17% trong năm 2017 giảm xuống 9% trong năm 2018.

Là địa phương có số lượng chợ nhiều và hiện đại nhất cả nước (khoảng 240 chợ truyền thống), có những ngôi chợ tồn tại hàng trăm năm với khả năng buôn bán tưởng chừng như bất khả xâm phạm nhưng hiện nay nhiều chợ ở TP. Hồ Chí Minh đang phải thay đổi hướng tiếp cận khách hàng vì sự phát triển mạnh của TMĐT.

Để giữ chân khách hàng, các sạp thịt heo chợ truyền thống Võ Thành Trang (quận Tân Bình) đã được làm lại theo tiêu chuẩn sạch, an toàn. Bà Trần Thị Long - tiểu thương kinh doanh thịt heo ở đây - cho hay, từ khi sạp được làm mới sạch sẽ và tiểu thương cam kết bán thịt có truy xuất nguồn gốc, sức mua đối với mặt hàng này đã tăng trở lại.

Đại diện Ban quản lý chợ Võ Thành Trang - cho biết, không chỉ có mặt hàng thịt heo, các mặt hàng như cá, rau, củ, quả, thực phẩm khô… đều được làm mới không gian buôn bán. Hầu hết tiểu thương đều ký cam kết bán hàng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và bán hàng đúng giá niêm yết. Ngoài nâng cấp quầy sạp, nhiều chợ đã tổ chức kênh bán hàng online. Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cho biết thêm, hơn 500 tiểu thương kinh doanh ngành hàng quần áo và nguyên phụ liệu thời trang ở chợ hiện nay đều mở kênh bán hàng online. Chủ sạp Châu Thể (chợ Phạm Văn Hai) bà Trần Cẩm Anh cho biết, so với các mặt hàng thiết yếu khác thì sức mua quần áo hiện không còn được như mấy năm trước nên sạp đang phải đẩy mạnh "chào mẫu" bán online.

Tương tự, chợ Tân Bình (quận Tân Bình) là trung tâm bán sỉ và lẻ quần áo lớn nhất nước, hiện nay gần 5.000 tiểu thương kinh doanh quần áo đều lập trang web bán hàng trực tuyến và hình thức giao dịch này đang phát triển rất mạnh. Ông Bùi Văn Thành - tiểu thương bán quần áo ở chợ Tân Bình - chia sẻ, thông qua internet, khách hàng mua sỉ ở miền Tây Nam bộ, Campuchia và một số nước ở châu Phi đặt hàng qua mạng, hàng được giao bằng container và thanh toán qua ngân hàng. "Mua bán online tiện và nhanh, tuy nhiên rủi ro cũng khó tránh khỏi vì nhiều khi người bán chưa từng bắt tay với người mua nhưng đây là xu hướng kinh doanh mới và ai cũng phải áp dụng" - ông Thành nói.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh- đánh giá, để các hoạt động buôn bán tại các chợ truyền thống ổn định và phát triển, giới tiểu thượng buộc phải tự làm mới từ khâu tổ chức kinh doanh đến những cam kết về chất lượng, về giá bán với người tiêu dùng. Bên cạnh đẩy mạnh bán hàng online, nhiều tiểu thương đã làm quen dần với việc ký kết hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất để có nguồn hàng chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm đồng thời chịu trách nhiệm trước người mua về hàng hóa - Đây cũng là tiêu chí mà ngành Công Thương thành phố đang thực thi trong lĩnh vực bán lẻ.

Để tồn tại, hệ thống chợ truyền thống buộc phải làm mới từ khâu đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp lại quầy kệ, thay đổi cách bán hàng, thậm chí là mang hàng trao tận tay người mua…

Tác giả: Thế Vĩnh - Thùy Dương

Nguồn tin: Báo Công Thương Điện Tử

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP