Báo động tình trạng đuối nước trẻ em ở Nghệ An |
Liên tục xảy ra nhiều vụ thương tâm
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian này, học sinh cả nước nói chung và học sinh tại tỉnh Nghệ An nói riêng mới bắt đầu quay trở lại học tập sau thời gian dài nghỉ học vì dịch. Những ngày cuối tháng 5, thời tiết hết sức khắc nghiệt, nhiệt độ xấp xỉ ngưỡng 40 độ C, nắng nóng xuất hiện từ sáng sớm kéo dài đến chiều tối. Chuỗi ngày nắng cháy da cháy thịt khiến nhiều em học sinh căng thẳng, mệt mỏi. Để giải nhiệt, nhiều em đã rủ nhau đi tắm sông hay nghịch nước ở các ao hồ mà không biết nguy hiểm đang chực chờ.
Khoảng 18 giờ chiều 5/5, em Vi Bảo A. (SN 2017) con trai của anh Vi Văn Tị ở bản Phục, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, Nghệ An cùng hai anh trai ra khe suối phía trước nhà để tắm. Trong lúc hai anh mải trèo cây và trêu đùa nhau bên bờ suối thì An xuống suối để tắm. Vì không biết bơi nên em đã bị đuối nước dẫn đến tử vong; Ngày 15/5, tại vùng biển phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, một nhóm học sinh gồm 4 em rủ nhau ra tắm biển. Trong lúc tắm, em Hồ Sinh H. (học sinh lớp 8, trường THCS Quỳnh Phương) bơi ra xa, không may gặp sóng cuốn trôi mất tích. Sau nhiều ngày tìm kiếm, thi thể em H. được tìm thấy cách địa điểm gặp nạn khoảng 4km. Thầy Hồ Tuấn Anh – Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Phương cho biết: “Gia đình em H. rất khó khăn nên chúng tôi đã phát động toàn trường quyên góp giúp đỡ, chia sẻ với gia đình em”.
Cắm biển báo tại những nơi thường xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. |
Ngày 19/5, khi đang tắm mát ở chân cầu cùng 6 người bạn, Nguyễn Công Đ. (SN 2004, trú xã Đại Sơn, huyện Đô Lương) bơi ra giữa sông rồi bị chìm. Đức đang theo học lớp nghề Điện tử khóa 9 Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Tây Nam Nghệ An, là một học viên ngoan, chăm chỉ, học lực khá. Mới đây nhất, khoảng 14 giờ 30 phút ngày 29/5, trong khi đang tắm tại hồ Lèn Chùa (thuộc khối 9, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai), em L.V.Đ (SN 2004, trú xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) bị đuối nước tử vong. Cùng ngày, xảy ra thêm 2 vụ đuối nước thương tâm làm chết hai em Đ.V.Q (học lớp 12A1, Trường THPT Quỳnh Lưu 4) và V.T.H.G (SN 2005, học sinh lớp 9, trường THCS Đồng Tường, xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương).
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, từ ngày 1/1/2020 đến 31/5/2020, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 14 vụ đuối nước liên quan đến trẻ em, làm chết 16 em độ tuổi từ 2 đến 16 tuổi. Đa phần các nạn nhân đều sinh sống ở các huyện có nhiều ao, sông… |
Sân chơi nào cho trẻ?
Câu hỏi được đặt ra, gần như trường học nào cũng tổ chức các chương trình kỹ năng sống về phòng chống đuối nước, các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo, nhưng tình trạng trẻ em bị đuối nước vẫn diễn ra thường xuyên?
Bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm là do trẻ em không biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh. Ngoài ra, do sự chủ quan, thiếu giám sát của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như biển, sông, suối, ao, hồ. Ở nhiều địa phương, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm.
Tình trạng trẻ em bị đuối nước còn phản ánh một thực trạng khác đó là thiếu sân chơi cho trẻ em. Ở khu vực thành thị, trời bắt đầu vào hè thường có khá nhiều lớp năng khiếu được tổ chức, nhiều khu vui chơi để trẻ tham gia, vui đùa, giải trí. Còn khu vực nông thôn, miền núi, các em thường tự tìm đến sông suối, ao hồ, kênh mương để đùa nghịch. Nhiều vụ đuối nước trẻ em vừa qua chủ yếu xảy ra ở miền núi, nơi dân trí còn thấp, người lớn bận rộn mưu sinh, chủ quan, thiếu sự kiểm soát với các con.
"Vấn đề phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt thời tiết ở Nghệ An đang rất khắc nghiệt. Vì vậy, cần tổ chức các lớp phổ cập bơi an toàn cho trẻ, thực hiện các hướng dẫn về kỹ năng bơi lội và hướng dẫn kỹ năng cứu đuối cho các em. Các địa phương cũng cần rà soát, cắm biển báo tại những “điểm đen” có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Tuyên truyền cho trẻ em sử dụng áo phao khi tắm biển, ao hồ, sông, suối,...”, bà Nguyệt chia sẻ.
Tác giả: THU HIỀN
Nguồn tin: Báo Tiền phong