Cách đây 2 năm (năm 2017), cơ sở đóng mới tàu thuyền của gia đình ông Nguyễn Văn Xang ở xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) hoạt động liên tục khi có nhiều đơn đặt hàng đóng tàu từ phía ngư dân.
Đặc biệt, từ khi có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền theo NĐ 67 của Chính phủ, trong thời gian từ năm 2015 đến 2017, cơ sở của ông đã nhận đóng 12 tàu có công suất trên 800 CV và 14 tàu ngoài dự án. Những con tàu sau khi được đóng xong đã vươn khơi khai thác xa bờ và đều đạt hiệu quả cao.
Nhiều làng nghề đóng tàu ở Nghệ An hoạt động cầm chừng. Ảnh: Việt Hùng |
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, cơ sở của ông chưa đóng mới được chiếc tàu cá nào, trên 50 thợ đóng tàu không có việc làm, đành tìm đến công việc phụ khác. Ông Xang cho biết: Sau khi bàn giao 2 tàu cá đóng mới vào tháng 3/2018 thì đến nay cơ sở không hoạt động; máy móc, thiết bị lâu không dùng tới bị hoen rỉ, gần 70 khối gỗ chưa dùng ngâm dưới ao để bảo quản. Thợ đóng tàu đều đi tìm việc khác để làm, nghề đóng tàu của cơ sở gần như đóng cửa im lìm.
Theo bà con ngư dân, phong trào đóng mới tàu thuyền tại các huyện ven biển như Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, Diễn Châu sôi động nhất trong năm 2017, khi các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện đang có hiệu lực. Chỉ trong năm 2017, Nghệ An đóng mới được trên 200 tàu công suất 400 CV trở lên, nâng tổng số tàu xa bờ đạt trên 1.450 chiếc. Nhưng từ năm 2018 đến nay, việc đóng mới tàu có dấu hiệu chững lại, toàn tỉnh chỉ đóng mới thêm được 12 chiếc tàu.
Do lâu ngày không hoạt động, cơ sở đóng tàu của ông Nguyễn Văn Xang ở xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) có nguy cơ thua lỗ do máy móc hàng tỷ đồng hư hỏng. Ảnh: Việt Hùng |
Được biết, nguyên nhân chính là do các chính sách hỗ trợ không còn, bên cạnh đó, phương tiện tàu thuyền gần như “bão hòa” và hoạt động đánh bắt hiệu quả không cao do giá cả vật tư tăng, lao động khan hiếm. Tại huyện Quỳnh Lưu, trong năm 2017, toàn huyện đóng mới được hơn 30 tàu xa bờ, nhưng từ giữa năm 2018 đến nay chưa đóng mới được chiếc tàu nào.
Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) cho biết: Nhiều hộ ngư dân cũng muốn đầu tư đóng mới tàu xa bờ, tuy nhiên cũng tùy thuộc vào điều kiện từng vùng. Trong khi đó, để đóng được tàu mới cần nhiều vốn, trong khi đó ngân hàng cho vay có hạn. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do gần đây hiệu quả khai thác của tàu xa bờ thấp, chi phí xăng dầu, ngư lưới cụ tăng, giá thủy hải sản bấp bênh nên từ đầu năm đến nay có một số tàu thuyền của ngư dân nằm bờ, do vậy ngư dân không “mặn mà” đầu tư đóng tàu mới.
Nghệ An hiện có khoảng gần 20 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền với hàng trăm lao động. Trong đó, có một số cơ sở đóng tàu lớn ở xã Quỳnh Thọ, Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu); xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai); Nghi Thiết (Nghi Lộc)… Thế nhưng có rất nhiều cơ sở đóng mới tàu thuyền ở Nghệ An hoạt động cầm chừng. |
Hàng trăm thợ đóng tàu chuyên nghiệp cũng không có việc làm khi nhu cầu đóng mới không còn cao. Ảnh: Việt Hùng |
Ngoài ra, khoảng trên 500 lao động chuyên đóng tàu ở Nghệ An không có việc làm, buộc họ phải đi tìm việc ở nơi khác dẫn đến nhiều làng nghề đóng tàu truyền thống có nguy cơ thiếu thợ, mai một.
Tác giả: Việt Hùng
Nguồn tin: Báo Nghệ An