Trong lĩnh vực giáo dục, tại những quốc gia định hướng theo "tính xã hội", các chính phủ thường hướng đến chính sách giáo dục tạo công bằng về cơ hội tiếp cận nền giáo dục có chất lượng ngang nhau cho mọi trẻ em, nhất là ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Ngược lại, ở những nước đề cao "tính thị trường" vốn giao cho thị trường tự điều tiết lãnh vực giáo dục thì việc tiếp cận giáo dục thường dựa trên khả năng chi trả của gia đình người học, tức nếu có khả năng chi trả cao thì được học những trường tốt, khả năng chi trả kém thì học những trường có chất lượng thấp kém hơn.
Nước ta, về nguyên tắc, là một nước hướng về tính xã hội nên dĩ nhiên cũng chú trọng đến sự công bằng trong việc tiếp cận nền giáo dục có chất lượng ngang nhau cho mỗi học sinh. Tuy nhiên trên thực tế, tình hình lại hình như đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Chẳng hạn như trong qui định tuyển sinh đầu cấp học trung học cơ sở, tức lớp 6, một số trường chuyên danh tiếng đã đặt ra các bài kiểm tra các kỹ năng và kiến thức cho các em học sinh bằng tiếng Anh.
Điều này được lý giải là vì số lượng hồ sơ nộp về trường quá nhiều nên phải tổ chức một cuộc kiểm tra sát hạch để loại bớt số lượng học sinh. Câu hỏi đặt ra là liệu việc tổ chức kỳ thi các kỹ năng bằng tiếng Anh như vậy liệu có công bằng hay không xét về mặt xã hội?
Phụ huynh chen chân chờ con thi khảo sát năng lực vào lớp 6 vào một trường tốp trên của Hà Nội ngày 10-6 |
Theo chúng tôi là không công bằng vì chỉ có những em giỏi tiếng Anh mới có khả năng đạt kết quả cao, mà việc giỏi hay không giỏi tiếng Anh phần lớn lại phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình các em học sinh. Tức là chỉ có những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả mới có thể đầu tư cho con em mình học tiếng Anh ở những nơi, trung tâm đào tạo tiếng Anh có chất lượng cao mà thôi, còn những em thuộc các gia đình đủ ăn hoặc khó khăn, ở vùng xa trung tâm thì không thể theo học những lớp dạy tiếng Anh chất lượng cao được. Kết quả là nếu tham gia kỳ thi sát hạch các kỹ năng bằng tiếng Anh thì chắc chắc đa số thí sinh đạt kết quả cao sẽ là những em học sinh xuất thân từ các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả.
Như vậy trường trung học cơ sở chuyên, có chất lượng đào tạo tốt nhờ được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất và lực lượng giáo viên giỏi cuối cùng lại dành cho tầng lớp học sinh xuất thân từ tầng lớp có khả năng kinh tế cao chứ không dành cho mọi học sinh. Đây chính là một "cơ chế tạo bất bình đẳng" trong giáo dục khi con em thuộc tầng lớp có kinh tế khá giả được học ở trường có chất lượng tốt, còn con em của những tầng lớp có kinh tế kém thì phải học những trường có chất lượng thấp hơn.
Như vậy theo chúng tôi, việc tổ chức sát hạch ở lớp 6 là điều cần thiết ở những trường thu hút quá nhiều lượng học sinh đăng ký vào, nhưng cần phải thay đổi cách thức tổ chức để sao cho mọi học sinh thuộc tất cả các tầng lớp kinh tế-xã hội khác nhau đều có cơ hội tiếp cận như nhau. Tiếng Anh là quan trọng nhưng suốt ở bậc tiểu học, các em học sinh phải nắm vững trước tiên tiếng mẹ đẻ của mình nên không thể dùng tiếng Anh để loại bớt số lượng học sinh được, vì điều này là một sự bất bình đẳng như đã nêu trên.
Tác giả: Lê Minh Tiến
Nguồn tin: Báo Người Lao Động