Tin trong tỉnh

Bé sơ sinh nặng 800 g bị hoại tử ruột sống sót kỳ diệu

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay đơn vị này đã nuôi dưỡng thành công em bé sinh non bị thoát vị bẹn nghẹt, hoại tử ruột trên nền suy hô hấp, nhiễm khuẩn máu.

Bé trai nặng chưa đến một kg phải phẫu thuật vì thoát vị bẹn nghẹt và hoại tử ruột. Ảnh minh họa: Reuters.

Sinh non ở tuần thai 25, bé trai chỉ nặng 800 g, cử động yếu, thở rút lõm lồng ngực, tím tái, suy hô hấp nặng. Ngay sau sinh, bé được hồi sức ngay trong phòng mổ, rồi chuyển về điều trị tại khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Tại đây, bệnh nhi phải thở máy, bơm surfactant (chất ngăn ngừa xẹp phế nang, giúp chức năng phổi hoạt động ổn định), nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn.

Thời gian đầu, trẻ có chuyển biến tốt, đáp ứng với điều trị, lên cân. Tuy nhiên, khi được một tháng tuổi, bé xuất hiện tình trạng thoát vị bẹn nghẹt và hoại tử ruột.

Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn liên khoa Ngoại, Hồi sức sơ sinh, Gây mê hồi sức và quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi để giải phóng khối thoát vị, khâu lỗ thủng ruột.

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Lệ Thi, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, cho biết đây là trường hợp non tháng, nhẹ cân nhất được phẫu thuật thoát vị bẹn nghẹt, hoại tử ruột tại bệnh viện.

"Trẻ được phẫu thuật trong tình trạng chỉ nặng một kg, thể trạng rất non yếu. Trẻ sinh non có cấu trúc ống bẹn rất nhỏ, phù nề, kèm theo ruột hoại tử, lại bị suy hô hấp, phụ thuộc máy thở, nhiễm trùng nặng nên có nguy cơ tử vong rất cao", bác sĩ Thi đánh giá.

May mắn, ca mổ diễn ra thành công. Sau phẫu thuật, bé trai được chăm sóc tích cực và điều trị hơn 4 tháng. Trong quãng thời gian này, bé có thể tự thở, bú tốt, các phản xạ khá, nặng 3,4 kg. Bé được xuất viện trong niềm hạnh phúc của gia đình.

Thoát vị bẹn ở trẻ em là bệnh lý bẩm sinh, không tự hết. Thoát vị bẹn nghẹt cần phải được chẩn đoán và xử lý nhanh chóng vì trong khoảng 6-12 giờ, các tạng (ruột, mạc nối, buồng trứng, vòi trứng) bị nghẹt có thể hoại tử.

Biến chứng này có thể khiến trẻ viêm phúc mạc, tắc ruột... dẫn đến phải cắt bỏ phần hoại tử như đoạn ruột, mạc nối, buồng trứng, tử cung, thậm chí đe dọa tính mạng. Một số trường hợp có thể bị tổn thương tinh hoàn do mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép.

Trẻ bị thoát vị bẹn thường có một khối phồng căng cứng phía dưới bẹn, sờ đau. Do đó, khi phát hiện có khối phồng bất thường vùng bẹn, bìu, gia đình cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện khám để được kịp thời điều trị.

Tác giả: Linh Thùy

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP