Kinh tế

Bệnh viện tư của ông Trầm Bê lãi kỷ lục nhờ… bất động sản

Tại Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An, ông Trầm Bê đã thể hiện rõ hơn vai trò của mình khi nắm số cổ phần lớn nhất, tương đương 4,85% vốn.

Ông Trầm Bê trở lại làm chủ tịch HĐQT Bệnh viện Triều An từ năm ngoái - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An đã công bố báo cáo tài chính quý 2-2024 với mức doanh thu thuần đạt hơn 269 tỉ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do giá vốn tăng thấp hơn mức tăng của doanh thu, lợi nhuận gộp của Triều An cải thiện mạnh, đạt 80,1 tỉ đồng, gấp 4,2 lần so với cùng kỳ.

Chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính... đều giảm, lợi nhuận thuần về hoạt động kinh doanh của Triều An gấp tới 4,4 lần quý 2 năm ngoái, đạt hơn 71 tỉ đồng.

Sau trừ thuế, lãi ròng quý 2-2024 của Bệnh viện Triều An đạt hơn 57,8 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong cơ cấu tổng doanh thu, chiếm hơn 101 tỉ đồng được ghi nhận từ chuyển nhượng bất động sản. Trong khi cùng kỳ, Triều An không ghi nhận nguồn thu này.

Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự gia tăng về lợi nhuận của Bệnh viện Triều An. Bởi doanh thu khám chữa bệnh chỉ ước đạt gần 170 tỉ đồng, chưa bù lại giá vốn khám chữa bệnh lên tới gần 189 tỉ đồng.

Tính chung 6 tháng năm nay, lợi nhuận sau thuế của Bệnh viện Triều An nơi ông Trầm Bê làm chủ tịch đạt gần 80 tỉ đồng, cao nhất từ trước tới nay.

Tại đại hội đồng cổ đông 2024, Bệnh viện Triều An đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 769,6 tỉ đồng và 60,5 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả khả quan sau 6 tháng, bệnh viện đã vượt kế hoạch lợi nhuận đặt ra.

Được thành lập năm 1999, Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An từng là một trong những bệnh viện tư nhân đa khoa đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam.

Hiện chủ tịch HĐQT của Bệnh viện Triều An là ông Trầm Bê - một doanh nhân người Việt gốc Hoa, quê Trà Vinh, trở lại thương trường từ năm ngoái sau khi chấp hành hai bản án hình sự kéo dài 7 năm.

Sau khi ông Bê trở về, ông Trần Ngọc Henri - người từng giữ vị trí chủ tịch - đã về làm phó chủ tịch HĐQT. Thời điểm chuyển giao diễn ra từ tháng 5-2023.

Tại báo cáo tài chính vừa công bố, phần thuyết minh chi tiết về vốn đầu tư chủ sở hữu thể hiện số cổ phần nắm giữ của ông Bê tại bệnh viện.

Cụ thể ông Trầm Bê đã nắm hơn 2,37 triệu cổ phần, tương đương 4,85% vốn; bà Viên Tú Anh cũng nắm số cổ phần tương đương chủ tịch. Đây cũng là hai người nắm số vốn lớn nhất tại bệnh viện theo danh sách được công khai.

Tiếp đến, ông Trần Ngọc Henri nắm 4,08% vốn, ông Trịnh Nhựt Toản 0,61%. Trong danh sách cổ đông lớn không còn tên bà Dương Thị Đẹt và bà Trầm Thuyết Kiều (con gái ông Trầm Bê).

Thuyết minh cơ cấu cổ đông tại thời điểm cuối tháng 6-2024 - Ảnh chụp từ BCTC


Trước đó tại phiên họp thường niên diễn ra hồi tháng 5-2023, ông Trầm Bê được bầu làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027. Trước khi vướng lao lý, ông Trầm Bê cũng là chủ tịch hội đồng quản trị bệnh viện này.

Trong thời gian ông Bê vắng mặt, Triều An vẫn ghi nhận doanh thu đều đặn hàng trăm tỉ đồng (cao nhất năm 2022 với 591 tỉ đồng) và lợi nhuận vài chục tỉ đồng như dữ liệu đề cập ở trên. Riêng năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bệnh viện này lỗ 27 tỉ đồng.

Tác giả: BÌNH KHÁNH

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

  Từ khóa: Bệnh viện tư , Trầm Bê

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP