Du lịch

Bí ẩn truyền thuyết về Đền Cửa Ông

Không chỉ đẹp, Đền Cửa Ông ở phía Đông Bắc thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) còn là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất ở Việt Nam với những huyền thoại, truyền thuyết bí ẩn được người dân truyền miệng...

Đền Cửa Ông - Một lối kiến trúc độc đáo, huyền bí, hội tụ đủ yếu tố phong thủy - Tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ.

Theo truyền thuyết, có lần tại biển Cửa Suốt, tự nhiên trời mưa to gió lớn sấm sét nổi lên ầm ầm. Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng đang đi tuần trên biển, thấy có một phiến đá to nổi lên, liền ngang nhiên ngồi lên trên đá. Sóng nổi cuồn cuộn, mực nước dâng lên cao nhưng phiến đá vẫn nổi trên mặt nước, chở che ông đi, đè đầu những ngọn sóng.

Khi mưa gió yên, dân chúng không thấy ông đâu nữa, mà trên phiến đá chỉ có một cái mũ, liền rước về thờ, lập miếu và tâu lên triều đình. Đó là ngày 16 tháng 8 năm 1311, từ đó ngày này được xem là ngày hóa của ông.

Nhà vua phong ông là Thượng Đẳng Phúc Thần Ông và được xem là vị chủ thần ở Đền Cửa Ông. Trong đền có tượng ông và đôi câu đối, hàm ý nghĩa trân trọng và thông cảm với ông giúp chiến thắng Bạch Đằng, tướng giỏi uy danh lừng Đất Bắc.

Để dấu thiêng Đông Hải, anh hùng tâm sự gửi trời Nam, được gia nhập vào điện thần Tứ phủ, vị thần Đệ Tam Cửa Suốt cũng rất linh thiêng.

Đền Cửa Ông (Đền Cửa Suốt) không chỉ thờ Trần Quốc Tảng, mà gần như đủ hệ thống Trần Triều không nơi nào có. Bởi lẽ trong đền vẫn còn đủ 30 pho tượng bày thành mười hàng ngang, đều là những người trong gia thất và là tướng tá dưới trướng Trần Hưng Đạo.

Những giá trị lịch sử to lớn

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông tọa lạc trên một quả đồi hướng ra bờ vịnh Bái Tử Long. Địa hình Cửa Ông là một dải thung lũng hẹp dọc theo quốc lộ 18 nơi giao thoa giữa núi non, rừng, biển một cảnh đẹp tuyệt vời của vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Đến với Đền Cửa Ông, du khách sẽ được tham quan 3 khu vực chính là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, được phân bố ở ba vị trí khác nhau theo chiều lên cao dần, tạo thành một quần thể kiến trúc hình chân vạc trông ra vịnh Bái Tử Long. Đền Hạ nằm ở phía dưới thờ Mẫu; khu đền Thượng gồm đền chính thờ Trần Quốc Tảng, lăng Trần Quốc Tảng, đền Quan Châu, đền Quan Chánh... Đây là đền duy nhất thờ đầy đủ gia thất Trần Hưng Đạo và các cận thần của ông còn lại đến ngày nay.

Hiện nay, đền Cửa Ông còn lưu giữ 34 pho tượng lớn nhỏ đã được các nghệ nhân chạm trổ công phu, với tư thế ngồi trong ngai, khám, long đình rất cân đối, mang giá trị nghệ thuật cao, được chạm khắc công phu...

Đền Cửa Ông - Lễ đón nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2018.

Giá trị văn hóa đặc sắc

Cùng với những giá trị lịch sử to lớn, Đền Cửa Ông còn mang giá trị về nghệ thuật, văn hóa dân tộc đặc sắc và trở thành điểm du lịch hấp dẫn được đông đảo người dân, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm bái. Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, sự chung tay của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, các nhân, Đền Cửa Ông đã được tôn tạo, mở rộng không gian ngôi đền với tổng số tiền lên đến hơn 800 tỷ đồng. Lễ hội đền Cửa Ông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đền Cửa Ông được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt.

Không chỉ vậy, Đền Cửa Ông còn được xây bằng các loại vật liệu như: Đá đúc, gạch Bát Tràng, vữa hồ pha mật, gạch lát nền bằng đất sét nung, ngói mũi đất nung... Kiến trúc trang trí theo các điển tích: Long, Ly, Quy, Phượng. Phần trong nhà Đền được sử dụng bằng các loại gỗ bền, chắc, đẹp như: đinh, lim, trắc, gụ... Khung nhà được dựng theo lối: kèo, cầu, rường, trụ... trên đó được khắc họa bằng các bức phù điêu, bức tướng, câu đối... và các hoa văn được sơn son, thếp vàng lộng lẫy...

Khu đền được bố trí trên các ngọn đồi thoải, đan xen, hài hòa đưới những bóng cây cổ thụ, tạo nên cảnh tĩnh mịch, hùng tráng, hoa mỹ nhưng trang nghiêm. Trước cửa ngôi Đền là vịnh Bái Tử Long, một “rừng” đảo muôn hình, muôn vẻ nổi bật trên nền xanh biếc của nước biển... Nằm trong cảnh rừng, biển, núi non, sơn thủy hữu tình, vị trí ngôi Đền đã được người xưa ca tụng:”Nghìn trùng nước biếc buông tay áo. Bốn phía non xanh tạc họa đồ”.

lễ hội Đền Cửa Ông được tổ chức vào ngày 02 tháng 02 Âm lịch hàng năm.

Hàng năm, Lễ hội Đền Cửa Ông tổ chức từ ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch. Là dịp khách thập phương đến viếng thăm và kính cẩn nghiêng mình trước các vị Nhân Thần nhà Trần. Với những người con của đất mẹ Việt Nam, thần linh nơi đây không chỉ là tiêu biểu cho tín ngưỡng mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước theo suốt một chiều dài lịch sử.

Là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam và được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, “Đền Cửa Ông” là sự giao hòa giữa chốn tâm linh và địa danh du lịch nổi tiếng.

Tác giả: Gia Hồng

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP