Giải trí

Bị cắt lương, bảo hiểm, nghệ sĩ hãng phim truyện căng băng rôn kêu cứu

Hơn 30 đạo diễn, diễn viên, biên kịch hãng phim truyện Việt Nam cùng căng băng rôn tố cáo việc bị cắt lương, bảo hiểm, đồng thời yêu cầu VIVASO thoái vốn khỏi VFS trước Tết.

Sáng 17/1, tại trụ sở hãng phim truyện Việt Nam (Số 4, Thụy Khuê, Hà Nội), các nghệ sĩ cùng căng nhiều băng rôn, biểu ngữ, từ cổng chính vào đến các phòng làm việc.

"Vivaso hãy thoái vốn khỏi hãng phim", "Chúng tôi cần làm việc", "Hãy chia sẻ cùng VFS: Tại sao cắt lương, bảo hiểm của chúng tôi", "VIVASO get out", "Hãy cứu chúng tôi"... là nội dung được in trên các băng rôn.

Các nghệ sĩ cùng căng nhiều băng rôn, biểu ngữ, từ cổng chính vào đến các phòng làm việc.

"Cắt bảo hiểm là giọt nước tràn ly"

Ngay sau đó, các nghệ sĩ hãng phim đã tổ chức cuộc trao đổi với báo chí, bày tỏ những bức xúc liên quan tới Tổng công ty Vận tải thủy VIVASO - cổ đông chiến lược, đơn vị chủ quản hiện tại của hãng. Theo các nghệ sĩ, VIVASO đã cắt toàn bộ lương và bảo hiểm của 30 đạo diễn, biên kịch, quay phim, nghệ sĩ.

NSND Thanh Vân khẳng định với Zing.vn là hiện tại anh không nhận được bất cứ quyền lợi, lương bổng nào từ hãng. NSND cũng đã bị cắt bảo hiểm cùng với 30 nghệ sĩ khác và đó là "giọt nước tràn ly" để họ tiếp tục lên tiếng tố cáo, căng băng rôn.

Đạo diễn Đức Việt, Anh Tuấn và quay phim Minh Hà cùng cho biết gần như khối nghệ thuật của Hãng hiện tại không có lương. Và từ tháng 10/2018, họ cũng đã bị VIVASO thông báo cắt cả bảo hiểm.

Đơn yêu cầu của nghệ sĩ khi bị cắt bảo hiểm.

"Hiện tại Hãng có nhân sự khoảng 70 người, trong đó 30 người khối nghệ thuật là bị cắt hết lương, bảo hiểm. Những người còn lại là làm bên bộ phận hành chính, bảo vệ, và một số người nằm trong đoàn phim Người yêu ơi là có lương. Nhưng phim đó hiện tại cũng đã dừng lại, không làm tiếp, tất cả chúng tôi cùng đồng lòng đấu tranh đến cùng để giữ lại hãng phim", đạo diễn Đức Việt nhấn mạnh.

Ngoài NSND Thanh Vân, đạo diễn Anh Tuấn, danh sách còn có nhiều tên tuổi như đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Đức Việt, Trần Chí Thành, quay phim Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Thanh Tùng, các nhân viên kỹ thuật hình như Cồ Huy Sáng, Cồ Huy Minh, Nguyễn Hoàng Linh... cùng nhiều họa sĩ thiết kế, chuyên gia ánh sáng.

Theo các nghệ sĩ, họ chưa liên hệ được với đại diện VIVASO vì ông Nguyễn Danh Thắng Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam "rất ít lên cơ quan". Các nghệ sĩ cũng đã kiến nghị lên công đoàn, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.

"Vivaso hãy thoái vốn khỏi hãng phim", "Chúng tôi cần làm việc", "Hãy chia sẻ cùng VFS: 'Tại sao cắt lương, bảo hiểm của chúng tôi'", "Vivaso get out", "Hãy cứu chúng tôi"... là nội dung được in trên các băng rôn.

Đạo diễn Đức Việt cho rằng việc cắt bảo hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nghệ sĩ. Không biết tương lai hãng sẽ đi về đâu, tất cả "đều rất hoang mang". Nam đạo diễn còn nhận định những động thái quản lý của VIVASO khiến các nghệ sĩ nghi kỵ lẫn nhau.

NSND Thanh Vân khẳng định việc cắt quyền lợi của các nghệ sĩ, trong đó có lớp nghệ sĩ kế cận khiến họ lo lắng, nảy sinh tâm lý chán nản, dễ rời bỏ hãng phim.

"Trong quá trình cổ phần hoá, hãng thiệt hại nhân sự rất lớn. Nhiều nghệ sĩ đã rời bỏ hãng, trong đó có cả NSND, NSƯT. Nếu tình hình vẫn như thế này, tôi e hãng sẽ trống rỗng, không còn một ai vì ai cũng phải mưu sinh", NSND bày tỏ.

"Mong muốn VIVASO thoái vốn ngay trước Tết"

Đạo diễn Đức Việt nhắc lại việc các nghệ sĩ không có việc làm từ khi cổ phần hóa và hãng phim vào tay của VIVASO. Thời gian của họ chủ yếu dành để đấu tranh, bảo vệ hãng. Tất cả phải làm việc bên ngoài để mưu sinh hoặc làm dịch vụ.

"Có một bộ phim duy nhất là Người yêu ơi. Đây là phim Nhà nước đặt hàng từ trước khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, hiện tại phim đã dừng lại, đơn giản vì Bộ Tài chính cũng không thể rót tiền về VIVASO vì không ai kiểm soát được. Từ đó đến nay, chúng tôi gần như không có tác phẩm nào, không có việc làm. Tôi không hiểu VIVASO vẫn ở đây để làm gì, nhằm mục đích gì", nam đạo diễn bức xúc.

NSND Thanh Vân (giữa) trong cuộc gặp gỡ báo chí.

Mục tiêu đấu tranh của các nghệ sĩ hiện tại là yêu cầu VIVASO sớm thoái vốn theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

"Theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ còn một ngày VIVASO cũng phải trả lương, bảo hiểm cho nghệ sĩ nhưng họ đã không làm. Chúng tôi đã báo cáo các vấn đề trên với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, các nghệ sĩ được thông báo phải chờ. Anh em cán bộ, nhân viên hoàn toàn không biết gì về lộ trình thoái vốn. VIVASO luôn kéo dài thời gian, không biết bao giờ họ mới đi. Chúng tôi muốn họ thoái vốn trước Tết", đạo diễn Đức Việt cho hay.

Về thông tin, hãng phim truyện Việt Nam sẽ về Đài tiếng nói Việt Nam, nhiều nghệ sĩ cho biết họ chưa nắm rõ thông tin, chưa được thông báo cụ thể gì cả. Tuy nhiên, NSND Thanh Vân cho biết đó là phương án khá tốt. NSND bày tỏ mong muốn dù sáp nhập đơn vị nào, hãng cũng được hoạt động độc lập, được làm điện ảnh.

Chủ tịch VIVASO: “Nghỉ cả năm, đừng đòi bảo hiểm”

Trao đổi với Zing.vn vào chiều 17/1, ông Nguyễn Thủy Nguyên, chủ tịch VIVASO cho biết sẽ trả lời ngắn gọn vì đang đi công tác ở Cần Thơ.

Theo ông Nguyên, công ty đã ứng lương cho các nghệ sĩ hơn một năm, nhưng vì không ai đi làm nên dừng lại, “Tôi cũng đã đóng bảo hiểm cho 13 tháng rồi nhưng họ không lên cơ quan, thậm chí chống đối. Không đi làm mà tôi vẫn đóng cho chừng ấy tháng còn thế nào nữa. Không làm gì cả mà vẫn đòi lương, bảo hiểm, chống đối, rồi biểu tình. Tôi cho tự quản lý cũng không làm, mời người khác làm giám đốc cũng không đồng ý. Tôi chỉ là chủ đầu tư, nhưng họ luôn là phản đối mọi thứ”, chủ tịch VIVASO nhấn mạnh.

Về yêu cầu VIVASO thoái vốn trước Tết, ông Nguyễn Thủy Nguyên khẳng định, “không thể xâm phạm quyền của tôi. Nói thật, cũng không ai mua lại đâu. Yêu cầu thế là... vớ vẩn!".

Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. Hãng thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim Chung một dòng sông ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển.Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Đến hẹn lại lên...

Tuy vậy, từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhiều dự án phim cũng hãng liên tục thua lỗ, các phim đều chật vật bán vé khi ra rạp. Ngày 29 tháng 6 năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim Truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim Truyện Việt Nam.

Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau đó, các nghệ sĩ lên tiếng "tố" quá trình cổ phần hóa không minh bạch. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy VIVASO hoàn tất quá trình mua lại đơn vị này vào tháng 6/2017. Hãng đổi tên thành Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.

Sau đó, giới nghệ sĩ tiếp tục đấu tranh, cho rằng cổ phần hóa không minh bạch, đồng thời bức xúc về cách quản lý bị cho là "phi nghệ thuật" của VIVASO. Hồi tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc chuyển giao không đúng quy định sai phạm sử dụng đất. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thủ tục cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải Thủy xin rút vốn trước thời hạn; chủ trì làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện để chuyển giao hãng phim truyện Việt Nam theo quy định.

Khi đó, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch VIVASO cho biết "sẽ rút vốn".

Tác giả: Quang Đức

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP