Theo trình bày của anh Nguyễn Quốc Toàn (trú tại khối 2, thị trấn Tân Kỳ, Nghệ An) anh và một số hộ dân khác có ký hợp đồng thuê đất trồng rừng với Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ (Nghệ An) để trồng cây keo.
Trước đó, theo anh Toàn để dẫn vào mảnh đất được giao khoán, nhiều hộ khác như Đậu Văn Thường, Đậu Thị Thảo, Đào Văn Sơn… đã sử dụng nhiều năm con đường dân sinh có từ trước. Nhưng từ khi UBND huyện Tân Kỳ cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Tài Sơn, bà Hoàng Thị Thủy tại khối 1 thị trấn Tân Kỳ thì “bỗng nhiên” mất đường vào khai thác đất rừng vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ ông Sơn bà Thủy “ôm” luôn con đường dân sinh trước đó.
Anh Nguyễn Quốc Toàn (trú tại khối 2, thị trấn Tân Kỳ, Nghệ An) bức xúc trình bày việc trèo tường để vào canh tác đất rừng. |
Cũng theo anh Toàn, ngay sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình ông Sơn, bà Thủy đã bịt kín lối đi vào chăm sóc rừng phòng hộ của các hộ dân, khiến nhiều gia đình lao đao, các hộ phải trèo tường để vào chăm sóc đất rừng:
“Nhiều hộ dân nhận khoán đất của BQL Rừng phòng hộ Tân Kỳ, không có đường vào phải vất vả trèo tường để vào rừng, vì gia đình ông Sơn bà Thủy cấm đường không cho vào. Năm 2013 gia đình tôi phải đưa cho hộ ông Sơn 10 triệu đồng, để được giải quyết lối đi. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại gia đình ông Sơn đã “lật kèo”, không cho tôi và một số hộ dân đi qua nữa".
"Về mặt thực tế tại thửa đất nói trên của ông Nguyễn Tài Sơn, bà Hoàng Thị Thủy trước đây có phần đất là con đường mòn dân sinh phục vụ cho việc đi lại của các hộ dân trồng rừng. Con đường này được hình thành từ lâu và là đường đi lại chung của người dân trong khu vực này. Vì vậy, UBND huyện Tân Kỳ không thể lấy con đường chung của cộng đồng dân cư đã sử dụng từ trước tới nay để cấp vào đất riêng của gia đình ông Sơn bà Thủy”. Anh Nguyễn Quốc Toàn bức xúc cho PV Báo Bảo vệ pháp luật biết.
Liên hệ với ông Nguyễn Tài Sơn - người bị các hộ dân phản ánh về việc bịt lối đi, ông Sơn cho biết: "Đất đó tôi ở năm 1988, đến năm 2006 tôi mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước đó là con đường mòn đi bò cho gia đình tôi và hàng xóm đi thôi. Việc nhận tiền năm 2013, số tiền 10 triệu là khi tôi đi làm không biết do vợ nhận, chưa có chữ ký của tôi. Giấy đó có xác nhận của UBND thị trấn Tân Kỳ là xác nhận khối 2 thị trấn Tân Kỳ thôi. Cổng sắt nằm trong đất của gia đình tôi, nên tôi làm!?".
Có mặt tại con đường dân sinh dẫn vào đất rừng phòng hộ các hộ dân nhận khoán, PV Báo Bảo vệ pháp luật nhận thấy con đường ngay trước hộ ông Sơn bà Thủy đã được bịt kín bằng một cổng sắt, có ống khóa. Các hộ dân muốn vào khu vực đất được giao khoán, không có cách nào khác là phải…trèo tường.
Hộ gia đình ông Sơn bà Thủy đã dựng cổng sắt, bịt kín con đường vào canh tác đất rừng của nhiều hộ dân. |
Xác nhận sự việc, ông Cao Tiến Hạnh, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ cho biết: “Việc hộ ông Sơn bà Thủy ngăn đường không cho các hộ dân vào chăm sóc đất rừng là có thật, việc chính việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất của ông Sơn bà Thủy “ôm” cả con đường dân sinh như vậy, nên tạo cớ để hộ ông Sơn bà Thủy thu tiền các hộ dân khai thác cây keo đi qua như trường hợp hộ anh Toàn phải nộp cho hộ ông Sơn 10 triệu đồng là rõ ràng".
"Mặt khác trong bản đồ lâm nghiệp ban hành từ tháng 3/2003, thửa đất 261 có đường dân sinh (đường mòn) nhưng trong bản đồ địa chính đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sơn bà Thủy không có đường dân sinh. Đây là con đường dân sinh mà các hộ sản xuất lâm nghiệp thường xuyên đi qua để trồng, chăm sóc bảo vệ rừng từ trước”. Ông Hạnh thông tin với Báo Bảo vệ pháp luật.
Văn bản của BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ gửi UBND huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cũng khẳng định, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất "ôm" luôn con đường dân sinh. |
Thông tin với Báo Bảo vệ pháp luật, bà Trương Thị Hải, Phó Phòng Tài Nguyên và Môi Trường huyện Tân Kỳ cho rằng trách nhiệm này thuộc về Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ. "Việc anh Toàn khiếu nại với huyện là không có đường để khai thác Keo, tuy nhiên không có quy định pháp luật nào nói rõ về việc đường đi của đất rừng phòng hộ. Anh Toàn nhận khoán của rừng phòng hộ, nên trong hợp đồng có các điều khoản về thuê đất nên trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ” - bà Hải khẳng định.
Việc người dân được giao khoán, thuê đất rừng để sản xuất là chủ trương đúng. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “ôm” luôn cả con đường dân sinh gây khó khăn cho người dân. Thiết nghĩ, thay vì đổ lỗi đùn đẩy trách nhiệm, các cơ quan chức năng huyện Tân Kỳ nên đưa ra các giải pháp, trả lại hiện trạng con đường mòn dân sinh cho các hộ dân theo bản đồ lâm nghiệp năm 2003.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về sự việc này.
Tác giả: Lý Nguyễn
Nguồn tin: Báo Bảo vệ pháp luật