Bức tường màu đỏ của Điện Kremlin ở thủ đô Moscow, Nga. Ảnh: Getty Images |
Theo trang Russia Beyond, nhìn từ xa, Điện Kremlin trông thật hào hoa và hùng vĩ: Với những tòa tháp với các ngôi sao đỏ, bức tường gạch cổ xưa màu đỏ tươi vẫn như mới.
Đến gần bức tường lịch sử, những viên gạch màu đỏ dường như được bảo tồn một cách hoàn hảo, thậm chí không một viên gạch nào lồi ra khỏi hàng.
Đến sát bức tường, phóng viên trang Russia Beyond nhận thấy rằng, những viên gạch trên bức tường của Điện Kremlin nổi tiếng được vẽ theo đúng nghĩa đen! Những viên gạch màu đỏ và mối ghép màu trắng xám không khác gì những đường nét được vẽ trên một bề mặt tương tự như thạch cao.
Trên thực tế, bức tường của Điện Kremlin được làm bằng gạch. Tuy nhiên, phần lớn bề mặt bên ngoài của nó được phủ bằng thạch cao và sơn, với những viên gạch được vẽ bằng tay. Việc vẽ gạch trên bức tường Điện Kremlin đã tồn tại từ lâu, và tùy thuộc vào từng thời đại và thế kỷ, nó có các đặc điểm khác nhau.
Công nhân vẽ gạch trên bức tường của Điện Kremlin ở Moscow, Nga. Ảnh: Twitter @netovetz |
Bức tường Điện Kremlin ở Moscow được vẽ như thế nào?
Theo trang Russia Beyond, bức tường Điện Kremlin ở Moscow được xây dựng bởi người Ý vào cuối thế kỷ 15, dưới thời Ivan III (Đại đế). Trước hết, đây là một pháo đài phục vụ như một công sự, bảo vệ nước Nga khỏi các cuộc xâm lược và chiến tranh liên tục.
Nó có màu sắc tự nhiên của những viên gạch đỏ và không ai có ý tưởng thay đổi cho đến năm 1680, đầu tiên là vì lý do an ninh: nếu súng thần công bắn vào tường, thì lớp sơn màu trắng sẽ vỡ vụn, lộ ra gạch đỏ, dễ dàng trở thành điểm ngắm để tấn công hơn nữa.
Nhưng, vào năm 1680, xuất hiện bằng chứng tài liệu đầu tiên cho thấy bức tường Điện Kremlin ở Moscow được sơn màu trắng.
Nhà sử học Nga Pyotr Bartenev trong cuốn sách "Điện Kremlin ở Moscow xưa và nay" đã viết, trong một bản ghi nhớ được gửi đến Sa hoàng vào ngày 7/7/1680, một câu hỏi đã được đặt ra: "Chúng ta có nên sơn trắng bức tường của Điện Kremlin, hay để nguyên như vậy, hoặc sơn giống màu gạch của Cổng Spasskaya?"
Theo trang Russia Beyond, trước thời điểm đó, bức tường và tháp của Điện Kremlin đã bị mất giá trị phòng thủ và chúng được sơn bằng vôi trắng. Trên thực tế, đó là một tuyên bố chính trị: Moscow không sợ các cuộc xâm lược, ách thống trị của người Mông Cổ hay bất cứ ai khác nữa. Vào thời điểm đó, nhiều cung điện khác của Nga cũng được sơn trắng: cung điện ở Rostov, cung điện ở Novgorod, cung điện ở Kazan...
Quang cảnh Moscow nhìn từ ban công của Điện Kremlin về phía cầu Moskvoretsky. Tranh của J. Delabart vẽ năm 1797 |
Sau đó, Điện Kremlin ở Moscow tiếp tục được sơn màu trắng trong nhiều thế kỷ nữa. Vào thời điểm Napoleon tấn công Moscow vào năm 1812, Điện Kremlin vẫn có màu sơn trắng. Sau khi bị thiêu trụi, Điện Kremlin đã được khôi phục và lại được sơn màu trắng.
Chỉ có những tòa tháp riêng biệt như Tháp Spasskaya, Tháp Nikolskaya và Tháp Troitskaya không phải lúc nào cũng được sơn trắng. Đôi khi chúng được giữ nguyên màu đỏ, hoặc sơn màu đỏ - trắng cho mục đích trang trí.
Theo nhà văn Nga Pavel Ettinger, đến đầu thế kỷ 20, Điện Kremlin thỉnh thoảng được sơn trắng cho các sự kiện quan trọng; nhưng phần lớn thời gian, tòa thành cổ có màu loang lổ với những viên gạch đỏ trên nền trắng, hầu như không được ai quan tâm.
Nhưng trong Thế chiến II, Điện Kremlin đã được sơn lại hoàn toàn, đó là một quyết định bắt buộc. Nói chính xác, nó phải được làm ẩn đi theo nghĩa đen: được ngụy trang theo cách mà đối với một máy bay ném bom của Đức, nó sẽ trông giống như một khu phố bình thường.
Theo dự án phức tạp nhất của kiến trúc sư người Nga Boris Iofan, vào thời điểm đó, các bức tường nhà và các ô cửa sổ màu đen đã được vẽ trên bức tường màu trắng của Điện Kremlin. Đường phố giả được dựng trên Quảng trường Đỏ; Lăng Lenin được phủ bằng ván ép với hình ảnh của một biệt thự thông thường. Việc ngụy trang đã có tác dụng: Điện Kremlin đã biến mất và trở nên vô hình từ trên không.
Dự án ngụy trang Điện Kremlin của Boris Iofan. Ảnh: Russia Beyond |
Nhưng sau chiến tranh, pháo đài này cần được tái thiết với quy mô lớn, đặc biệt là khi lễ kỷ niệm 800 năm ngày thành lập Moscow đang đến gần (7/9/1947). Một quá trình trùng tu Điện Kremlin đã diễn ra từ năm 1946 đến 1950. Các chi tiết bằng đá và gạch đổ nát đã được thay mới, dựa theo các mẫu vật từ thế kỷ 17-19.
Sau đó, công trình gạch lịch sử này đã được trùng tu một cách kỹ lưỡng hơn, thay mới bằng những viên gạch được sản xuất tại Liên Xô trong giai đoạn này, dọc theo toàn bộ bức tường dài 2 km. Đồng thời, theo quyết định của nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin, Điện Kremlin và bức tường của nó đã được sơn lại theo màu đỏ của những người cộng sản.
Bức tường của Điện Kremlin vào năm 1967. Ảnh: Sputnik |
Kể từ đó, bức tường của Điện Kremlin đã được trùng tu nhiều lần, với một số phần của nó được xây dựng lại từ đầu. Công việc như vậy vẫn được tiến hành thường xuyên, nhưng một loạt yếu tố tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến bức tường của Điện Kremlin.
"Chúng ta sống trong điều kiện mùa đông nước Nga. Nước ngấm vào chân gạch làm hỏng phần bên ngoài của nó", Sergei Devyatov - Tiến sĩ Khoa học Lịch sử và cố vấn cho Giám đốc Dịch vụ Bảo vệ Liên bang của Nga - giải thích.
Theo ông Devyatov, vào cuối những năm 1990, bức tường gạch ở trạng thái rất xấu và nó đã được bảo tồn bằng một giải pháp đặc biệt: một dung dịch đặc biệt giúp bảo vệ những viên gạch khỏi tác động của mưa, gió, bầu khí quyển và môi trường bên ngoài.
Tuy nhiên, giá trị biểu tượng của bức tường Điện Kremlin ở Moscow vẫn còn rất quan trọng. Đó là lý do tại sao, hiện nay, bức tường được sơn màu đỏ mờ mọi lúc, để giữ cho màu đỏ của nó trông luôn bão hòa.
Tác giả: Hữu Hiển
Nguồn tin: Báo Tổ quốc