Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn |
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Phan Đức Đồng - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe lãnh đạo huyện Quỳ Châu báo cáo tóm tắt tình hình 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXV, giai đoạn 2015 - 2020 và tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018.
Theo đó, trong nửa nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng và ban hành được 33 chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXV; một số chương trình, đề án đã phát huy hiệu quả. Kinh tế có bước tăng trưởng khá, sản xuất, kinh doanh các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển. Giá trị sản xuất tăng từ 1.313,2 tỷ đồng năm 2015 lên 1.713,2 tỷ đồng năm 2017. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 974,8 tỷ đồng, bằng 51% KH năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ; Tốc độ tăng trưởng bình quân năm 2016 - 2017 đạt 10,9%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16,2 triệu đồng năm 2015 lên 22,3 triệu đồng năm 2017.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động trên 238 tỷ đồng từ các nguồn vốn và 5.248 ngày công lao động. Đến nay, toàn huyện có 7 xóm, bản đạt tiêu chí nông thôn mới; có 1 xã đạt 19 tiêu chí, 3 xã đạt từ 11-14 tiêu chí. Dự kiến đến hết năm 2018, tổng số xóm, bản đạt tiêu chí nông thôn mới tăng lên 13 bản, 1 xã...
Đồng chí Đinh Viết Hồng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn |
Để giải quyết nhu cầu bức thiết về đất sản xuất cho nhân dân, tỉnh đã chỉ đạo cắt hơn 1.200 ha đất lâm nghiệp từ các nông, lâm trường giao cho nhân dân. Tuy vậy, cho đến nay mới có quyết định thu hồi 405 ha. Xuất phát từ việc huy động sức dân xây dựng NTM ở huyện miền núi gặp nhiều khó khăn nên mục tiêu đề ra đến năm 2020 có 3 xã và 49 thôn, bản về đích NTM của huyện khó thực hiện. Vì thế, địa phương đề nghị tăng phần điều tiết tiền sử dụng đất cho cấp huyện từ 25% lên 35% từ năm 2018 đến 2020 để huyện có nguồn kinh phí đầu tư các hạng mục về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020.
Thi công hồ chứa nước bản Mồng. Ảnh: T.L |
Thực hiện dự án hồ chứa nước bản Mồng, huyện Quỳ Châu có 760 hộ dân thuộc diện phải di dời, 780 ha đất phải thu hồi. Tính đến nay, dự án đã triển khai gần 10 năm, song tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư rất chậm, hiện còn 90 hộ, 430 ha chưa được bồi thường. Ngay với các hộ đã được bồi thường vẫn chưa có đất để tái định cư.
Trên địa bàn có 39 thôn, bản chưa có điện lưới. Về vấn đề này, Quỳ Châu đề nghị nếu ngành Điện khó khăn về vốn thì cho cơ chế để huyện huy động nguồn lực để chủ động triển khai đầu tư xây dựng, đảm bảo lộ trình 100% thôn bản có điện lưới Quốc gia theo mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra.
Tham gia tại buổi làm việc, nhiều đại biểu ghi nhận những nỗ lực của huyện Quỳ Châu trong thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội qua nửa nhiệm kỳ đại hội cũng như 6 tháng đầu năm 2018. Cũng tại đây, các ngành đã giải đáp những nội dung mà địa phương nêu, đồng thời lưu ý một số vấn đề cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới. Theo đó, lưu ý huyện quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quá trình giao đất, giao rừng phải đúng đối tượng. Các đại biểu cũng đề nghị huyện chú trọng vào công tác thu hút đầu tư, có cơ chế cụ thể khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Trong xây dựng NTM, huyện cần có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, không làm dàn trải mà nên tập trung đầu tư có trọng điểm để thành công.
Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn |
Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, các đại biểu cũng yêu cầu huyện Quỳ Châu chú trọng đến công tác bảo tồn các công trình, giá trị bản sắc dân tộc trên địa bàn, quan tâm phát triển các làng nghề truyền thống nhằm tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, trọng tâm của huyện Quỳ Châu là tập trung vào công tác xóa đói, giảm nghèo đồng thời với xây dựng nông thôn mới. Huyện ủy, chính quyền và nhân dân địa phương cần xác định tiềm năng, lợi thế để có giải pháp phát triển kinh tế phù hợp.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh phát biểu chỉ đạo buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn |
Liên quan đến công trình hồ chứa nước bản Mồng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành và địa phương quan tâm đến chính sách đối với các hộ dân bị thu hồi đất sản xuất và tái định cư. Bên cạnh đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng cho rằng, mặc dù diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nhưng về tương lai, với diện tích mặt nước lớn, hồ bản Mồng sẽ tạo điều kiện để người dân phát triển ngành thủy sản, chính quyền địa phương cần chủ động để hỗ trợ.
Liên quan đến công tác thu hồi đất tại các nông, lâm trường để giao cho dân, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu các ban, ngành, đơn vị liên quan cần đẩy nhanh việc thực hiện, tập trung rà soát các khu vực rừng sẽ được chia cắt giao cho dân để có bước đi kịp thời, thích hợp. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các đơn vị chốt thời gian làm việc với các nông, lâm trường, những diện tích nào nằm trong quy hoạch chia cắt cho dân sẽ không được trồng mới nhằm tránh phức tạp phát sinh khi về sau.
Tác giả: Đào Tuấn
Nguồn tin: Báo Nghệ An