Theo báo cáo, ngày 16, 17/7/2018 trên địa bàn huyện Diễn Châu có mưa vừa và mưa to; tổng lượng mưa 155 mm. Mưa to đã gây ngập úng cây trồng, hoa màu. Tính đến hết ngày 17/7 có 514 ha lúa bị ngập úng, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng; 1.900 ha vừng bị ngập có khả năng mất 50% năng suất; 50 ha dưa bị hỏng hoàn toàn.
Trao đổi với lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện cập nhật thông tin kịp thời đường đi của bão để có giải pháp phòng chống phù hợp, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Ảnh: Thu Huyền |
Toàn huyện có gần 200 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 230 ha tôm đang kỳ chăm sóc. Có khoảng 20 ha tôm nuôi ngoài đê có khả năng bị ảnh hưởng bởi bão đổ bộ.
Kiểm tra cống Diễn Thành, huyện Diễn Châu. Ảnh: Thu Huyền |
Tại xã Diễn Thịnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh kiểm tra khu vực nuôi tôm phía ngoài đê biển Trung - Thịnh - Thành. Bí thư lưu ý, trước khi bão vào cần huy động và không để một người dân nào trú ngụ canh đầm trong các nhà tạm nuôi tôm; đồng thời lưu ý vấn đề an toàn về điện.
Kiểm tra cống Diễn Thành, Bí thư chỉ đạo huyện Diễn Châu khẩn cấp di dời các tàu cá của ngư dân ra khỏi khu vực cống, chuyển đến địa điểm an toàn.
Cống đập Diễn Thành là công trình nằm trong hạng mục nâng cấp của hệ thống Ba ra Đô Lương do Nhật Bản tài trợ hiện nay đã thi công xong, Ban chỉ huy PCLB tỉnh và huyện đã chỉ đạo tháo đê quai để rút nước cứu lúa bị ngập úng. Hiện nay đê quai đã tháo gần xong, đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát lũ khi bão đổ bộ.
Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác đã kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Lạch Vạn. Ảnh Thu Huyền |
Tiếp đó, Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác đã kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Lạch Vạn. Theo báo cáo, đến nay, Ban chỉ đạo PCLB huyện Diễn Châu đã chỉ đạo 1.537 phương tiện tàu thuyền vào bờ, neo đậu trú tránh an toàn, phân công các thành viên bám cơ sở, trực 100% quân số. Chuẩn bị phương án di dời dân theo cấp độ 1. Huyện cũng có phương án di vén toàn bộ 312 hộ dân với 754 nhân khẩu kinh doanh dịch vụ du lịch và nuôi trồng thủy sản tại Diễn Hải; Diễn Kim, Diễn Thành, Diễn Thịnh và Diễn Trung trước 17 giờ hôm nay.
Cũng trong chiều nay, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã kiểm tra công tác phòng chống bão tại huyện Quỳnh Lưu.
Bí thư Tỉnh ủy trò chuyện với ngư dân và lưu ý công tác đảm bảo an toàn neo đậu tàu thuyền khi bão đổ bộ. Ảnh: Thu Huyền |
Trực tiếp đến hiện trường neo đậu tàu thuyền cảng cá Lạch Quèn tại xã Quỳnh Thuận, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tích cực hướng dẫn bà con phương án phòng chống bão. Cơn bão số 3 dự báo đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung bộ vào tối 18/7 và có khả năng Quỳnh Lưu sẽ tâm bão, vì thế, sau khi nắm bắt tình hình về đường đi của bão, tình trạng tuyến đê biển, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu huyện cắt cử người trực thường xuyên, đảm bảo thông tin thông suốt, cập nhật thông tin kịp thời đường đi của bão để có giải pháp phòng chống phù hợp, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Ngọc Bình cho biết: Đến 7 giờ ngày 18/7/2018 có 100% số tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn, trong đó có 36 tàu đang trú ẩn ở ngoài tỉnh (Bạch Long Vĩ 2 tàu của Tiến Thủy; Hải Phòng 3 tàu của Sơn Hải; Quảng Trị 2 tàu của Quỳnh Nghĩa; Quảng Bình 29 tàu, trong đó Tiến Thủy (10 tàu), Quỳnh Nghĩa (12 tàu), Sơn Hải (1 tàu), Quỳnh Long (6 tàu).
UBND huyện cũng giao Chủ tịch UBND 33 xã, thị trấn; Trưởng các Tiểu ban PCLB huyện kiểm tra, kiểm soát, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi trong thời gian này; đồng thời tổ chức lực lượng phối hợp với các xã hướng dẫn sắp xếp, neo đậu, chằng chống và có phương án bảo vệ tài sản cho những tàu thuyền về bến.
100% số tàu thuyền Nghệ An đã về nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: Thu Huyền |
UBND huyện Quỳnh Lưu đã triển khai phương án di dời 2.361 hộ dân với 11.923 nhân khẩu các xã ven biển Quỳnh Long, Sơn hải, Quỳnh Thuận, Quỳnh Thọ, Tiến Thủy đến nơi an toàn.
Công việc di dời hoàn thành trước 17h ngày 18/7.
Tác giả: Thu Huyền
Nguồn tin: Báo Nghệ An