Sáng 21/11, các đại biểu Quốc hội gồm các ông: Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Moong Văn Tình - cán bộ huyện đoàn Quế Phong và bà Nguyễn Thị Thảo - bác sỹ Bệnh viện đa khoa Tây Bắc Nghệ An tiếp xúc cử tri xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Thành Duy |
Đề nghị quy định thời gian thoát nghèo để hạn chế tư tưởng ỷ lại
Tại hội nghị, cử tri xã Tiên Kỳ đồng tình cao với kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua. Tiên Kỳ là xã 135 với gần 1.400 hộ và khoảng 6.000 nhân khẩu, trong đó có 93% là đồng bào dân tộc Thái. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 hơn 26% nhưng dự kiến cuối năm nay còn khoảng 16%.
Là một địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Kỳ, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cử tri xã dành nhiều kiến nghị về các chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các mặt của đời sống.
Ông Lô Ngọc Quế - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã đề nghị bố trí vốn để nâng cấp đường Tỉnh lộ 534B để tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi cho nhân dân.
Cử tri Quế cũng đề nghị có chính sách để xem xét đầu tư cho hộ nghèo có sức lao động được vay vốn không lãi suất để phát triển sản xuất.
Cũng liên quan đến vấn đề này, cử tri Vi Xuân Cầu đề nghị nới lỏng điều kiện cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế vì quy định hiện nay rất khó để có thể tiếp cận được nguồn vốn.
Cử tri xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Duy |
Liên quan đến công tác xóa đói giảm nghèo, cử tri Trương Công Bình đề nghị có quy định thời gian để thoát nghèo như trong 3 hoặc 5 năm. Vì hiện nay thực tiễn ở địa phương, có những hộ dân không muốn thoát nghèo để thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Với đặc điểm xã vùng cao, địa hình khó khăn, dân cư phân bố trên địa bàn 12 xóm, bản nên cử tri xã Tiên Kỳ đề nghị có những tiêu chí phù hợp trong sáp nhập xóm, bản.
Cử tri Nguyễn Kim Thứ bày tỏ bức xúc trước việc làm thương binh giả và đề nghị xử lý nghiêm. Tại hội nghị, cử tri cũng đề nghị nâng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, xóm, bản; cán bộ các cấp tăng cường về tiếp xúc, gặp gỡ để lắng nghe ý kiến nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng;...
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến cử tri, ông Phan Đình Trạc đã lần lượt trả lời các vấn đề cử tri quan tâm phản ánh.
Liên quan đến đề xuất cần quy định thời hạn cho hộ nghèo thoát nghèo, Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc đánh giá đây là ý kiến hay và cho biết sẽ đề xuất với Chính phủ.
Nhấn mạnh hỗ trợ người nghèo là “cho cần câu chứ không cho con cá”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng cần phân loại hộ nghèo để có cách hỗ trợ phù hợp; đồng thời động viên nhân dân chí thú làm ăn, tích cực phát triển sản xuất để nâng cao đời sống, không trông chờ, ỷ lại.
Đại biểu Quốc hội Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trả lời kiến nghị của cử tri xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Thành Duy |
Xử lý tham nhũng không có vùng cấm, bất kể người đó là ai
Còn về công tác phòng chống tham nhũng, ông Phan Đình Trạc cho biết, từ khi thành lập, Ban Nội chính Trung ương đã đưa vào 633 vụ án và vụ việc để Ban Chỉ đạo Trung về phòng, chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo, trong đó riêng Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp chỉ đạo 75 vụ án, 66 vụ việc.
Theo đó, hiện nay đã xét xử sơ thẩm 46 vụ, với tổng số 521 bị cáo, tuyên phạt 10 bị cáo với 11 mức án tử hình, 20 bị cáo với 21 án tù chung thân; 7 bị cáo mỗi bị cáo tù 30 năm, 18 bị cáo tù 20 năm đến dưới 30 năm, còn lại 154 bị cáo bị tù 12 tháng đến dưới 20 năm.
Các vụ án còn lại, ông Phan Đình Trạc cho biết đã giao cho cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, Trung ương vẫn kiểm tra, giám sát cấp tỉnh xem xử lý các vụ án, việc việc này có nghiêm, có đúng không, có bao che cho cán bộ không.
Đại biểu Nguyễn Thị Thảo thông báo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đến cử tri. Ảnh: Thành Duy |
Thông tin thêm, Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết, riêng về cán bộ liên quan đến các vụ án tham nhũng kinh tế thì từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay 60 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xử lý kỷ luật thêm 2 cán bộ và đang chờ Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định.
Ông Phan Đình Trạc khẳng định, lãnh đạo Đảng, Nhà thực hiện rất nghiêm công tác đấu tranh với tham nhũng, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai đã dấu hiệu phạm tội là bị khởi tố, điều tra; kết luận có tội là phải truy tố, xét xử; còn vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý nghiêm về kỷ luật của Đảng và kỷ luật của Nhà nước.
Ông Phan Đình Trạc tặng quà cho các hộ gia đình chính sách xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Thành Duy |
“Kỷ luật của Nhà nước phải tương xứng kỷ luật của Đảng và kỷ luật của Đảng phải đi trước”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nói và cho biết có những trường hợp đang truy tố, đang điều tra cũng đã bị xử lý kỷ luật về Đảng.
Tác giả: Thành Duy
Nguồn tin: Báo Nghệ An