Sáng nay 18-8, Toà án nhân dân TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") trong vụ án "Cố ý gây thương tích" xảy ra tháng 11-2014 tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình).
Vào 13 giờ chiều cùng ngày 18-8, Toà án nhân dân TP Thái Bình đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Đường 2 năm 6 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích".
Bị cáo Nguyễn Xuân Đường tại toà |
Về dân sự, HĐXX ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo bồi thường toàn bộ thiệt hại cho anh Mai Thế Duy 100 triệu đồng.
Trước đó, ngay tại phiên tòa, đại diện luật sư của Nguyễn Xuân Đường đã trao 100 triệu đồng cho phía bị hại là anh Mai Thế Duy để bồi thường nạn nhân sau khi bị hành hung, tổn thương 15% sức khỏe.
Trong phần tuyên án, HĐXX cũng chỉ rõ, bị cáo Đường là người được đào tạo về võ thuật, từng gây rối trật tự, chỉ vì mâu thuẫn với mẹ đẻ của anh Duy mà đánh anh Duy đã thể hiện sự côn đồ.
HĐXX nhận định hành vi của Đường "Nhuệ" là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới sức khoẻ của người khác, làm giảm lòng tin của người dân với cơ quan pháp luật, bức xúc trong nhân dân, cần áp dụng hình phạt nghiêm, buộc bị cáo phải cách ly ra khỏi đời sống xã hội để giáo dục.
Trình bày tại tòa, anh Mai Thế Duy cho biết, sáng 18-11-2014, anh đi cùng mẹ là bà Đinh Thị Lý, chị Nguyễn Thị Thanh Giang (SN 1980 ở Hà Nội) và một người đàn ông (được xác định là nhân chứng Nguyễn Xuân Bình (SN 1974, ở Thái Bình) anh vợ của Nguyễn Xuân Đường) đến trụ sở Công an phường Trần Lãm (TP Thái Bình) để giải quyết việc của đôi bên.
Tại phòng tiếp dân của Công an phường, bị cáo Nguyễn Xuân Đường đã xúc phạm hai mẹ con anh, sau đó đánh anh và mẹ trước sự chứng kiến của Bình, Giang và 3 người khác. Sau khi bị đánh gãy xương hàm dưới bên phải, anh được đưa đi khám tại BV đa khoa Thái Bình, sau đó phẫu thuật tại Bệnh viện răng hàm mặt Trung ương, phải nghỉ 2 tháng dưỡng thương.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Đường "Nhuệ" cho biết bản thân đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình, nên đã nhận tội. "Bị cáo có tội đến đâu, sẽ nhận đến đó. Bị cáo không muốn tranh luận mất thời gian của HĐXX"- bị cáo Nguyễn Xuân Đường nói.
Đường "Nhuệ" khai nhận sau khi đánh anh Mai Thế Duy, bị cáo rất hối hận nên đã nhờ người đứng ra thương lượng, hòa giải với gia đình bị hại nhưng không được đồng ý.
Bị cáo Nguyễn Xuân Đường khẳng định không có thù oán gì với anh Duy mà chỉ đánh do phản xạ lúc đang bức xúc, xô xát với bà Đinh Thị Lý (là mẹ anh Mai Thế Duy).
Theo bị hại Mai Thế Duy, sau khi hành hung anh, Đường "Nhuệ" đã nhờ người đến thương lượng, hòa giải nhưng anh và gia đình không đồng ý, không nhận tiền bồi thường. Tại tòa, bị cáo Xuân Đường xin lỗi anh, anh ghi nhận sự ăn năn, hối lỗi về hành vi gây thương tích cho anh, anh Mai Thế Duy đã đồng ý xin giảm hình phạt đối với bị cáo.
Bà Đinh Thị Lý, mẹ bị cáo Mai Thế Duy (người ra tòa với tư cách nhân chứng ), cho hay nhiều năm qua, mẹ con bà đi đòi công lý. Những tổn thất về thương tật, tổn thất về tinh thần mà con trai và gia đình bà phải chịu đựng không thể nói hết được. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Xuân Đường đã ăn năn, hối lỗi, nên bà và con trai đồng ý nhận lời xin lỗi, và nhận 100 triệu đồng bồi thường từ phía luật sư của Đường "Nhuệ".
Về kiến nghị của bà Đinh Thị Lý liên quan đến việc xô xát tại trụ sở Công an phường Trần Lãm và việc bà cho rằng còn sót lọt tội phạm, HĐXX cho biết sẽ được xem xét ở một vụ án khác.
Tai phiên tòa, đại diện VKSND TP Thái Bình nhận định hành vi của bị cáo Nguyễn Xuân Đường thể hiện tính côn đồ, xâm hại sức khỏe của người khác, cần xử lý nghiêm minh.
Đại diện VKSND TP Thái Bình đề nghị giữ nguyên cáo trạng đã truy tố và xử phạt bị cáo Nguyễn Xuân Đường mức án 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù giam.
Cũng theo đại diện VKSND TP Thái Bình, mặc dù trước đó, bị cáo đề nghị luật sư không tranh luận nhưng khi tòa hỏi bị cáo có tranh luận gì không thì bị cáo Nguyễn Xuân Đường lại nói, để luật sư bào chữa tranh luận.
Nói lời sau cùng tại phiên tòa, Đường "Nhuệ" một lần nữa gửi lời xin lỗi tới anh Mai Thế Duy và gửi lời chúc sức khỏe tới HĐXX cùng những người theo dõi phiên tòa.
Tác giả: Trọng Đức
Nguồn tin: Báo Người lao động