Chiều nay (6/11), ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, cơn bão Atsani có cường độ cấp 10, giật cấp 12 sẽ đi vào khu vực Đông Bắc Biển Đông trong tối nay. Sau khi vào Biển Đông, bão Atsani có thể sẽ suy yếu nhanh và tan trên khu vực Bắc Biển Đông, gây gió mạnh và sóng cao, nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên khu vực phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông.
Vị trí và hướng di chuyển của bão Atsani. (Ảnh: NCHMF). |
Ông Khiêm cho biết thêm, trong 10 ngày tới, ngoài cơn bão Atsani, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, trên khu vực Biển Đông và đất liền các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai.
Cụ thể, khoảng ngày 8/11, khả năng có một áp thấp nhiệt đới/bão đi vào Biển Đông, dự báo ảnh hưởng trực đến vùng biển và đất liền các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ trong khoảng ngày 10-11/11.
Tiếp đến, khoảng ngày 12-13/11, trên Biển Đông có thể xuất hiện một cơn bão/áp thấp nhiệt đới hướng về đất liền nước ta.
"Từ khoảng ngày 9 đến 12/11, ở các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng, nguy cơ xảy ra lũ trên các sông, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các đô thị. Diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở ở các tỉnh Trung Bộ sẽ còn phức tạp và có thể kéo dài tùy thuộc vào phạm vi hoạt động của áp thấp nhiệt đới/bão", ông Khiêm cho biết.
Trước đó, trong tháng 10/2020, khu vực Trung Bộ đã liên tiếp chịu ảnh hưởng nhiều thiên tai, lũ chồng lũ, bão chồng bão gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Tổng cộng đã có 4 cơn bão (số 6, số 7, số 8 và số 9) và 1 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực miền Trung. Trong đó, bão số 9 cùng với bão Xangsane (2006) là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Bộ. Trên Biển Đông bão đạt cường độ cấp 14, giật cấp 17. Khi vào đất liền đã gây ra gió rất mạnh, tại Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14.
Khu vực cũng đã chịu ảnh hưởng của 3 đợt mưa lớn liên tiếp với tổng lượng mưa các đợt từ 1.000-2.500mm, có nơi xấp xỉ 3.000mm, cao hơn gấp 3-5,5 lần so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ với nhiều điểm vượt giá trị lịch sử. Lượng mưa ngày lớn nhất một số nơi trên 5.000mm.
Do thiên tai xảy ra trong thời gian dài, liên tiếp, thời gian giữa các đợt thiên tai rất ngắn nên hệ thống hạ tầng, tự nhiên của khu vực bị tổn thương nặng nề. Các hồ chứa đầy nước, mực nước trên các sông luôn ở mức cao, các khu vực dân cư liên tiếp bị ngập sâu, đất bão hòa nước, kém kết dính, trọng lực lớn dễ bị trượt lở. Do đó, khi các đợt mưa lũ liên tiếp xảy ra, tác động và rủi ro thiên tai lớn hơn rất nhiều so với chỉ có một đợt thiên tai.
Ngoài ra, trong tháng 10 tại khu vực miền Trung đã xuất hiện liên tiếp 3 đợt lũ trên khu vực, một số nơi đã có đỉnh lũ vượt mức lịch sử như trên sông Hiếu, sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Bồ (Thừa Thiên Huế), sông Kiến Giang (Quảng Bình). Ngập lụt sâu, diện rộng, thời gian dài đã xảy ra tại nhiều lưu vực sông, đặc biệt là ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.
Trượt lở đất đá đã xảy ra ở nhiều nơi. Sạt lở nghiêm trọng tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), huyện Nam Trà My và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) làm nhiều người chết và mất tích.
Tác giả: Nguyễn Dương
Nguồn tin: Báo Dân trí