Biến thể Delta được phát hiện tại Philippines từ giữa tháng 7 hiện đã lây lan tới 13/17 khu vực của nước này. Điều này khiến chính quyền Philippines phải áp lệnh phong tỏa thủ đô Manila, siết chặt các biện pháp hạn chế tại nhiều khu vực khác.
“Số ca mắc Covid-19 đã giảm sau khi chạm đỉnh của đợt dịch trong tuần đầu tháng 4, nhưng kể từ giữa tháng 7, số ca mắc bắt đầu gia tăng trở lại”, Thứ trưởng Bộ Y tế Maria Rosette Vergeire cho biết.
Trong số 1.291 bệnh viện ở Philippines, 236 bệnh viện đang phải hoạt động ở mức 85% công suất, mức đáng báo động do số ca mắc Covid-19 tăng cao. Ảnh: Reuters |
Theo bà Vergeire, số ca mắc có thể còn tiếp tục tăng và phải mất khoảng 2-3 tuần để các biện pháp hạn chế mới ban hành có tác dụng giúp giảm số ca mắc.
Số ca mắc tại Philippines đã tăng gần 50% trong nửa tháng qua so với 2 tuần trước đó và tình hình Covid-19 tại Philippines bị đẩy trở lại mức “nguy cơ cao”.
Riêng vùng thủ đô Manila số ca mới đã tăng 123% trong 2 tuần qua. Theo lệnh phong tỏa kéo dài 2 tuần được áp đặt trở lại từ ngày 6/8, chỉ có các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu mới được phép hoạt động và người lao động trong lĩnh vực chủ chốt mới được phép ra ngoài.
Bệnh nhân phải chờ 2-3 ngày mới có giường tại khu điều trị Covid-19
Trong bối cảnh số ca mới mắc Covid-19 tại Philippines gia tăng, nhiều người phải chờ 2-3 mới được chuyển từ phòng cấp cứu tới khu vực chuyên điều trị Covid-19.
Bác sỹ Pauline Convocar, Giám đốc Trường Cao đẳng Y tế Cấp cứu Philippines cho biết, các bác sỹ phòng cấp cứu đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng đều đặn kể từ giữa tháng 7 vừa qua. Nếu như trước đây, quá trình này trung bình chỉ mất khoảng 24 giờ, thì hiện đã tăng lên 2-3 ngày.
Theo bác sỹ Convocar, tình hình hiện nay tương tự như những gì đã xảy ra trong các đợt dịch trước đây. Có những gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh và phải nhập viện cùng lúc, trong đó có cả người cao tuổi có các triệu chứng nghiêm trọng và nguy kịch. Ngoài ra, trong đợt dịch lần này, đã có xu hướng trẻ hóa trong số các trường hợp phải nhập viện do mắc Covid-19.
Các khu điều trị dã chiến mà hầu hết các bệnh viện chuẩn bị từ trước hiện đã kín chỗ. Thời gian chờ tại phòng cấp cứu tùy thuộc vào việc khi nào có bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh thì mới có chỗ để tiếp nhận bệnh nhân mới.
“Khoa cấp cứu đang phải chịu gánh nặng, đó là cổng vào, là điểm tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên của mỗi bệnh viện”, bà Convocar cho biết.
Nhiều bệnh viện sắp quá tải
Bộ Y tế ngày 10/8 cho biết, 68% các giường điều trị tích cực (ICU) và 58% số giường điều trị bệnh nhân Covid-19, 57% số giường cách ly và 48% số máy thở đang được sử dụng.
Bộ Y tế Philippines cũng cho biết, tỷ lệ dương tính tại nước này là 21,9%, có nghĩa là cứ 5 người xét nghiệm thì có 1 người dương tính với SARS-CoV-2.
Trong giai đoạn tháng 3-4, tỷ lệ dương tính lên tới 25%. Khi đó, tại Manila, các bệnh nhân mắc Covid-19 phải xếp hàng dài bên ngoài phòng cấp cứu khi số ca mắc lên tới 10.000 ca/ngày trong 12 ngày liên tiếp từ 29/3. Do thiếu giường bệnh, nhiều bệnh nhân đã được điều chuyển tới bệnh viện ở các tỉnh lân cận.
Trong số 1.291 bệnh viện ở Philippines, 236 bệnh viện đang phải hoạt động ở mức 85% công suất, mức đáng báo động do số ca mắc Covid-19 tăng cao. Các bệnh viện ở vùng thủ đô, tâm chấn đợt dịch hiện nay cũng đối mặt với tình trạng tương tự, khi 25/159 bệnh viện đã sắp tới mức 100% công suất.
Theo chuyên gia các bệnh truyền nhiễm Rontgene Solante, tính đến ngày 10/8, một số bệnh viện lớn ở thủ đô Mania đã không còn chố tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 mới.
Tính tới nay, Philippines ghi nhận tổng cộng hơn 1,6 triệu ca mắc Covid-19 trong đó có 29.220 ca tử vong và là một trong những nước có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất tại Đông Nam Á.
Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu dân trong năm nay. Tuy nhiện, hiện mới chỉ khoảng 10% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Tổng thống Rodrigo Duterte đã dọa sẽ bắt giam những người không tiêm vaccine ngừa Covid-19 và gần đây cảnh báo những người không tiêm chủng sẽ không được phép ra khỏi nhà./.
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: Báo VOV