Dư luận bất bình vì tình trạng "ép" mua sách tham khảo. Ảnh minh hoạ: CAND |
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV đang diễn ra, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã có văn bản gửi các đại biểu Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa năm học 2020-2021, đề cập đến nhiều vấn đề dư luận quan tâm, trong đó có vấn đề sách tham khảo.
Bộ GD-ĐT khẳng định, theo quy định, ngoài sách giáo khoa, các sách tham khảo là để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng chứ không bắt buộc sử dụng.
Để quản lý, sử dụng sách tham khảo đúng mục tiêu giáo dục, bảo đảm hiệu quả, không gây áp lực, quá tải đối với học sinh, Bộ đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình; không được "ép" học sinh mua sách tham khảo dưới bất kì hình thức nào .
Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận, dù đã có các văn bản chỉ đạo các địa phương, nhà trường chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ sổ sách, sách tham khảo, lạm thu và các hoạt động đầu năm gây tốn kém cho phụ huynh học sinh nhưng một số nhà trường ở một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng giáo viên lập danh mục sách tham khảo kèm theo sách giáo khoa gửi cho cha mẹ học sinh để đăng kí mua "tự nguyện" gây băn khoăn trong dư luận.
Vì vậy, để tăng cường hơn nữa các quy định về việc sử dụng sách tham khảo trong dạy học ở các nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát, chỉnh sửa Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Đồng thời, Bộ cũng đang từng bước khách quan hóa việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh (tách biệt với dạy học và kiểm tra, đánh giá thường xuyên). Việc này sẽ hạn chế việc giáo viên đưa các nội dung nâng cao trong sách tham khảo vào dạy học và kiểm tra, đánh giá khiến học sinh phải mua sách tham khảo; đồng thời, cũng góp phần khắc phục việc dạy thêm, học thêm sai quy định.
Tác giả: Đăng Khôi
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam