Trong nước

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tách Tổng cục Đường bộ, sáp nhập nhiều cục, vụ

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam, đồng thời sáp nhập, tổ chức lại nhiều cục, vụ

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có tờ trình gửi Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT. Đáng chú ý, Bộ GTVT đề xuất tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Ảnh: Phi Long

Theo Bộ GTVT, đây là tổng cục duy nhất thuộc Bộ GTVT, là đầu mối tập trung quản lý hệ thống quốc lộ (với 154 tuyến dài gần 25.000 km) và đường cao tốc (với 19 tuyến dài 1.163 km; dự kiến đến năm 2030 có 5.000 km).

Mô hình tổ chức hiện nay của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là kết quả của quá trình hoàn thiện trong thời gian dài. Tuy nhiên, tại Công văn số 1121/BNV-TCCB ngày 24-3-2022 của Bộ Nội vụ về việc thẩm định dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT có nêu: “Căn cứ quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập Tổng cục (do có phân cấp địa phương về quản lý, bảo trì hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã) nên thuộc đối tượng xem xét, tổ chức lại”.

Do vậy, theo Bộ GTVT, việc tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam là cần thiết. Sau khi tổ chức lại, cơ bản Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện nay.

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ GTVT cho biết cơ cấu tổ chức hiện hành theo Nghị định số 12/2017/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ GTVT có 14 tổ chức thuộc nhóm tổ chức tham mưu giúp việc Bộ trưởng, gồm: 12 vụ (Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ An toàn giao thông, Vụ Vận tải, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Đối tác công – tư, Vụ Khoa học – Công nghệ, Vụ Môi trường) và Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ.

Nhóm các cục, tổng cục trực thuộc Bộ (1 tổng cục và 7 cục) gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam) và 3 cục quản lý theo lĩnh vực (Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Cục Y tế GTVT).

Trong tờ trình, Bộ GTVT đề nghị đối với các tổ chức tham mưu, giúp việc Bộ trưởng, tiếp tục duy trì 6 tổ chức gồm: Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra, Văn phòng.

Hợp nhất Vụ Khoa học - Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường.

Tổ chức lại 3 Vụ: Kết cấu hạ tầng giao thông, Vận tải, An toàn giao thông thành 2 Vụ, theo đó sẽ giải thể Vụ An toàn giao thông. Sáp nhập Vụ Đối tác công - tư vào Vụ Kế hoạch - Đầu tư.

Đối với các cục, tổng cục trực thuộc Bộ: Tiếp tục duy trì 6 cục gồm: Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông. Trong đó, đổi tên Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thành Cục Quản lý đầu tư xây dựng.

Bộ GTVT đánh giá số lượng đầu mối trong cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT tại dự thảo Nghị định đã giảm 06/27 đầu mối so với quy định tại Nghị định số 12/2017/NĐ-CP và tăng 2 đầu mối (do tổ chức lại tổng cục thành 2 cục). Như vậy, tổ chức bộ máy của Bộ GTVT đã thực sự tinh gọn so với trước, Bộ không còn tổng cục trực thuộc, không còn phòng trong vụ, điều này đã góp phần làm giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ.

Tác giả: Văn Duẩn

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP