Giới trẻ

Bố mẹ Nghệ An sinh 8 cô con gái, dạy con 2 câu khiến ai cũng nể phục

Giờ đây, 8 chị em của chị Lữ đều có việc làm ổn định, người là giảng viên, người là giáo viên mầm non, người kinh doanh buôn bán, người lao động ở nước ngoài...

Nhiều năm về trước, người Việt luôn có quan niệm phải sinh con trai nối dõi tông đường, để "già cậy con" - lúc tuổi già sẽ dựa vào con trai, con dâu. Có người còn lo lắng nếu sinh toàn con gái thì sau này sẽ cô quạnh bởi con gái đi lấy chồng sẽ thành con "nhà người ta".

Ngày nay, thực tế cho thấy có nhiều bậc phụ huynh sinh toàn con gái vẫn hạnh phúc, được các con báo hiếu và quan tâm, chăm sóc khi về già, điển hình như gia đình ở Nghệ An dưới đây.

Chị Nguyễn Lữ (sinh năm 1990, quê Nghệ An) là con thứ 4 trong gia đình có 8 chị em gái. Chị em Lữ lần lượt là: Phước (sinh năm 1984), An (sinh năm 1986), Lê (sinh năm 1988), Lữ (sinh năm 1990), Nữ (sinh năm 1992), Trang (sinh năm 1994), Thơ (sinh năm 1996), Ca (sinh năm 1998). Tên của 8 chị em mang ý nghĩa phước lành, vui vẻ, hiền dịu, thục nữ.

8 chị em của chị Lữ trong dịp kỷ niệm 41 năm ngày cưới của bố mẹ. Ảnh: Vietnamnet.

Bố mẹ chị Lữ làm nghề nông. 14 năm sau ngày cưới, cứ cách 2 năm bố mẹ chị lại đón một cô con gái chào đời. Chị Lữ kể, nhà chị “đông con nhưng ít của”, có thời điểm gia đình rất khó khăn, đói kém. Bố mẹ chị ngày ngày bám vào đồng ruộng kiếm cơm, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Vào mùa hè, bố chị đi làm thợ hồ, bất chấp nắng mưa cực khổ vẫn cố gắng kiếm tiền nuôi con ăn học. Mẹ chị ngoài cấy lúa còn qua sông nhập chuối xanh về bán. Cả ngày nai lưng, đôi khi chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng nhưng vẫn không bỏ buổi chợ nào.

Chia sẻ trên Vietnamnet, chị Lữ cho biết: “Mẹ mình thường qua sông vào buổi sáng để lấy chuối xanh. Chiều về, mấy chị em kéo xe bò đến bờ sông đẩy chuối về cho mẹ. Công việc khó khăn, vất vả nhưng chẳng mấy khi mình nghe thấy bố mẹ than vãn. Mấy chị em biết bố mẹ vất vả nên cũng hiểu chuyện, chị lớn trông em nhỏ để bố mẹ yên tâm đi làm”.

Thuở ấy, bữa cơm nhà chị Lữ quanh năm chỉ có cơm trắng và canh rau. Thi thoảng mẹ “buôn may bán đắt” thì bữa cơm có thêm miếng đậu, con cá. Chị em Lữ nổi tiếng trong làng là dễ nuôi bởi nhà nghèo khó, thiếu thốn nhưng ai nấy đều khôn lớn, khỏe mạnh.

Suốt mấy chục năm, một nhà 10 người sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, hễ mưa là nước thấm ướt 4 bức tường. Tối đến, chị em Lữ cùng học chung trên một chiếc bàn, đôi khi phải chia ca để học. Tiền đóng học của mấy chị em Lữ đều trông vào lương phụ hồ của bố, tiền bán lúa, bán chuối của mẹ.

“Năm nào bố nhiều việc thì mấy chị em mình sẵn tiền đóng học, năm nào bố ít việc thì phải nợ nhà trường hoặc mẹ mình phải vay tiền đóng học”, chị Lữ kể.

Chật vật là vậy nhưng, bố mẹ Lữ chưa từng e dè trước mong muốn được học lên cao của bất cứ người con nào. Nhờ những mảnh ruộng, họ lần lượt nuôi 8 cô con gái ăn học thành người.

“Mình nhớ, năm lớp 10, thấy bố mẹ vất vả quá, mình quyết định nghỉ học. Bố mẹ thương con, hết lời động viên mình cố gắng học tiếp, chi phí học hành bố mẹ sẽ lo. Chị em mình ai cũng học hết lớp 12, có người học lên đại học. Giờ đây, bố mẹ mình luôn hãnh diện khi 8 đứa con chăm ngoan, học giỏi, luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau”, Lữ chia sẻ.

Cô gái Nghệ An nhớ mãi câu nói của bố: “Người ta ăn bóng đá, ngủ bóng đá, học bóng đá. Còn các con phải ăn học, ngủ học, chơi học. Có như vậy thì sau này mới trưởng thành, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội”.

Bố mẹ của chị Lữ. Ảnh: Vietnamnet.

Chị Lữ luôn tự hào khi bố mẹ là nông dân, gia cảnh nghèo khó nhưng vẫn nuôi dạy 8 chị em ăn học dàng hoàng, trở thành người tử tế.

Giờ đây, 8 chị em Lữ đều có công ăn việc làm ổn định, người là giảng viên, người là giáo viên mầm non, người kinh doanh buôn bán, người lao động ở nước ngoài… Điều khiến bố mẹ Lữ hãnh diện nhất là các con luôn đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Người có kinh tế thì hỗ trợ người khó khăn, các chị em là chỗ dựa tinh thần của nhau, cũng là chỗ dựa của bố mẹ.

“Nhìn con cái trưởng thành, hạnh phúc, bố mẹ mình mừng lắm. Trải qua bao khó khăn, vất vả, cuối cùng bố mẹ cũng được sống những ngày tháng thảnh thơi, an nhàn, không vướng bận điều gì. Chị em mình luôn bảo ban nhau phải lo cho bố mẹ đầy đủ vật chất, tinh thần thì vui vẻ, thoải mái. Giờ đây, 8 chị em chỉ mong bố mẹ khỏe mạnh, sống lâu để con cái có cơ hội báo hiếu”, chị Lữ chia sẻ.

Theo Tạp chí điện tử Nông thôn Việt, trong 8 chị em Lữ đã có 5 người kết hôn. Chị Lữ là người sống gần bố mẹ nhất nên thường xuyên qua lại thăm hỏi, chăm sóc bố mẹ. Các chị em khác dù ở xa nhưng những dịp lễ, Tết, giỗ chạp đều cố gắng thu xếp, về sum họp bên gia đình. Những dịp như vậy, căn nhà nhỏ của bố mẹ lại đầy ắp tiếng cười.

8 chị em góp tiền xây cho bố mẹ một căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Ảnh: Vietnamnet.

Cách đây vài năm, 8 chị em góp tiền xây cho bố mẹ một căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Mấy chị em cũng thay phiên nhau mua thức ăn, thuốc bổ cho bố mẹ. Những ngày lễ như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới… các chị em lại góp tiền mua quà, tạo niềm vui cho đấng sinh thành.

“Bố mẹ mình đã một đời vất vả nuôi 8 người con ăn học, giờ đây, chị em mình chỉ mong bố mẹ khỏe mạnh, sống thật lâu để các con có cơ hội phụng dưỡng, báo hiếu”, chị Lữ tâm sự.

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP