Tin trong tỉnh

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm tra công tác ứng phó bão số 8 tại Nghệ An

Chiều 13/10, đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Thường thực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có buổi kiểm tra và làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 8.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Thiếu tướng Hà Thọ Bình – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 4.

Làm việc với đoàn, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc

Theo dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ: Từ chiều ngày 13- 14/10, bão số 8 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Trung Bộ, trọng điểm là Nghệ An và Hà Tĩnh. Bán kính gió mạnh cấp 6 rất rộng (350 - 500 km), tốc độ di chuyển nhanh (20 - 25km/h), vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Từ đêm nay (13/10) đến ngày 14/10, vùng ven biển Nghệ An có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9; một số nơi có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 do kết hợp với không khí lạnh.

Do ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 8, từ chiều nay 13 - 15/10 Nghệ An có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến 200 - 300mm, có nơi trên 350 mm. Từ ngày 16/10, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên ở các tỉnh Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Nghệ An đã xây dựng các kịch bản ứng phó với bão, lũ

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cảm ơn Đoàn công tác Bộ NN&PTNT đã dành thời gian đến kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống cơn bão số 8 tại địa bàn tỉnh

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã thực hiện nghiêm túc nội dung các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với bão, mưa lũ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành các Công điện ứng phó với bão và mưa lũ sau bão.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu báo cáo công tác chuẩn bị ứng phó với bão, lũ của tỉnh Nghệ An

Tỉnh đã chủ động theo dõi chặt chẽ, triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão số 8, mưa lũ sau bão theo tình hình cụ thể. Hiện nay, tỉnh đã ban hành Công điện cấm tàu thuyền ra khơi từ 0 giờ ngày 10/10; chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền, lồng bè khi bão số 8 đổ bộ; khẩn trương thu hoạch diện tích lúa Mùa chưa thu hoạch theo tiêu chí “xanh nhà hơn già đồng”.

Toàn tỉnh Nghệ An có 1.061 hồ đập lớn nhỏ và 21 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác. Hiện đã có 1.035 hồ đầy nước, 23 hồ đạt trên 70% dung tích thiết kế. Các công trình hồ đập đều đang được các địa phương, đơn vị triển khai vận hành theo phương án phòng, chống thiên tai được phê duyệt.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 29 hồ đập đang thi công. Các công trình đã đạt khối lượng từ 80 - 95% khối lượng, đảm bảo cơ bản các hạng mục an toàn phòng lũ và đang tạm dừng thi công. Đối với 84 hồ ách yếu, xuống cấp, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai vận hành hồ theo phương án phòng, chống thiên tai được duyệt, nếu không an toàn không được tích nước.

Về các công trình trọng điểm đê điều, Nghệ An có 05 trọng điểm đê điều xung yếu. Trước mùa mưa lũ, toàn bộ các trọng điểm đã được đánh giá hiện trạng và xây dựng phương án hộ đê chi tiết cho từng vị trí.

Các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện đang thi công trên địa bàn đang thực hiện theo phương án phòng, chống thiên tai đã được phê duyệt. Về hệ thống tiêu úng, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng thủy nông thường trực 24/24h để tập trung vận hành hệ thống tiêu để “gạn triều tiêu úng”, giảm mực nước tối đa trong đồng để đến khi có mưa lớn sẽ hạn chế tình trạng ngập úng.

UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng 5 kịch bản sơ tán dân vùng ven biển phòng tránh nước dâng do bão. Tại vùng miền núi, trung du, hạ du hồ đập, tỉnh Nghệ An cũng đã xây dựng phương án di dời dân khi có thiên tai tại 33 vị trí sạt lở đất ảnh hưởng đến 612 hộ /3.044 nhân khẩu. Đến nay, trong số 33 điểm sạt lở này có 06 vị trí đang tiến hành xử lý theo hình thức xã hội hóa, 03 điểm đã bố trí một phần kinh phí để khắc phục, 24 vị trí sạt lở còn lại hiện nay đã có các giải pháp xử lý trước mắt để giảm thiểu thiệt hại như san, gạt, giảm tải trọng cung trượt. Tất cả các điểm sạt lở đều được kiểm tra, theo dõi để kịp thời sơ tán, di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai. Trong quá trình di dời cũng như địa điểm di dời đảm bảo thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Tỉnh nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người. Tuyệt đối không để người dân có tư tưởng chủ quan trước, trong và sau mưa lũ; đặc biệt quan tâm, giám sát đối với trẻ em sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã nêu lên một số kiến nghị như: Xem xét hỗ trợ kinh phí để tỉnh đầu tư xây dựng, sửa chữa một số công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai trên địa bàn; đồng ý chủ trương đầu tư Xây dựng Công trình điều tiết nước trên sông Lam...

Chủ động ứng phó với diễn biến cơn bão số 8

Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền về diễn biến của bão

Tại buổi làm việc, các đại biểu đều đánh giá cao công tác phòng chống bão, lũ của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là công tác phòng, chống cơn bão số 8 sẽ đổ bộ vào ngày mai. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi người dân để chủ động ứng phó với bão và hoàn lưu của bão; kiên quyết yêu cầu các công trình dừng thi công khi bão đổ bộ vào đất liền. Đồng thời, luôn sẵn sàng công tác sơ tán người dân vì lũ lên rất nhanh; tuần tra canh gác các hồ chứa, xây dựng các phương án xả nước để đảm bảo an toàn; rà soát để đưa lương thực, thực phẩm đối với một số khu vực thường xuyên bị chia cắt do lũ, lụt...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại một số công trình, địa điểm và nghe các ý kiến phát biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 8 được tỉnh Nghệ An tổ chức rất tốt, đồng bộ và chặt chẽ. Với tâm thế đó, Bộ trưởng tin rằng Nghệ An sẽ ứng phó thành công trước cơn bão số 8. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan, nhiều rủi ro, trong mọi trường hợp không thể chủ quan, cần tiếp tục phát huy tinh thần chu đáo, đồng bộ, toàn diện.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị tỉnh cần tăng cường phát tín hiệu để cảnh báo để tránh việc người dân chủ quan ở trên các chòi canh, tàu, thuyền, di chuyển trên biển; tăng cường công tác truyền thông để người dân ở các khu vực nắm bắt thông tin, diễn biến của cơn bão, có những cảnh báo kịp thời về tình hình bão, lũ, mưa, xả lũ các hồ đến người dân.

Đối với các khu cách ly và dòng người từ các tỉnh phía Nam trở về và đi qua địa bàn tỉnh, phải đặc biệt chú ý để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch vừa đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình di chuyển, nếu cần thiết thì cấm người dân di chuyển khi có mưa, lũ lớn.

Đối với kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng ý chủ trương sửa chữa đoạn trọng điểm xung yếu ở chân kè Cầu Yên Xuân Km74+600 - Km78+660, đê Tả Lam. Đối với đề xuất xây dựng Công trình điều tiết nước trên sông Lam, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu để có phương án khả thi nhất.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho biết, tỉnh Nghệ An có 82 km bờ biển, chịu ảnh hưởng rất lớn các cơn bão hình thành từ Biển Đông. Trung bình mỗi năm Nghệ An chịu ảnh hưởng của 8 - 10 cơn bão với cường độ và tần suất ngày càng mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, tính mạng, tài sản, sức khỏe của người dân. Đi kèm với đó là lũ lụt, sạt lở đất. Năm 2020, Nghệ An có 17 người chết, 13 người bị thương do thiên tai, buộc 10.000 người dân phải sơ tán khỏi vùng nguy hiểm, thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 2 năm qua dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất sâu đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, Nghệ An đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đã thông tin sơ bộ những kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đạt được trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng 9 tháng đạt 5,9%. Nông nghiệp là bệ đỡ, trụ đỡ của nền kinh tế đạt 5,31%. Thu ngân sách đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng... Về công tác phòng, chống thiên tai, trong thời gian, tỉnh đã rất chủ động trong công tác ứng phó để giảm thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn và xin tiếp thu, lĩnh hội, sẽ triển khai ngay những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn công tác, nhất là việc kiểm soát tàu thuyền, người, phương tiện vùng biển và vùng miền núi; ứng trực tại các hồ, đập xung yếu; điều tiết và xả lũ; di dời nhân dân tại các khu vực nguy hiểm, bảo vệ các công trình đang thi công...

* Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại công trình hồ chứa Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai), khu neo đậu tàu thuyền tại Cảng cá Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu), khu vực chân kè Cầu Yên Xuân (huyện Hưng Nguyên).

Đoàn kiểm tra tại hồ Vực Mấu, thị xã Hoàng Mai

Đoàn kiểm tra cống xả nước tại hồ Vực Mấu

Đoàn công tác kiểm tra hệ thống phần mềm kiểm tra, điều tiết nước tại hồ Vực Mấu

Đoàn công tác kiểm tra tại Cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu

Tỉnh Nghệ An cấm biển từ 00h ngày 10/10. Hiện nay toàn bộ tàu thuyền đã được neo đậu an toàn

Đoàn kiểm tra điểm sạt lở tại đê Tả Lam, đoạn qua huyện Hưng Nguyên

Điểm sạt lở tại Cầu Yên Xuân, lòng sông và chân kè bị xói sâu

Tác giả: Quỳnh - Thúy

Nguồn tin: nghean.gov.vn

  Từ khóa: bão số 8 , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP