Theo Quy hoạch, đến năm 2050, Nghệ An sẽ trở thành động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung bộ. |
Từ Nghị quyết của Bộ Chính trị
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An sẽ là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 39-NQ/TW, Bộ Chính trị đã chỉ rõ, xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Nghệ An và cả nước.
Nghị quyết số 39-NQ/TW đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp là phải thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển. Đồng thời, xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường liên kết phát triển...
Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 39-NQ/TW diễn ra vào ngày 16/9/2023, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng nhấn mạnh, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt, sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đối với sự phát triển của tỉnh Nghệ An.
“Việc triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW phải được đặt trong tổng thể phát triển vùng và cả nước, phải gắn chặt với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, qua đó tạo động lực, tạo sự kết nối, cộng hưởng mạnh mẽ hơn, nhất là với 2 tỉnh liền kề Thanh Hóa và Hà Tĩnh, các địa phương của Lào có chung đường biên giới và các địa phương trong cả nước...”, bà Mai nhấn mạnh.
Đến Quyết định 1059/QĐ-TTg
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 14/9/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1059/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch, đến năm 2030, Nghệ An trở thành tỉnh phát triển khá và tầm nhìn đến năm 2050, là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại của cả nước và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung bộ.
Để đạt mục tiêu trên, Quy hoạch đưa ra các khâu đột phá phát triển tỉnh Nghệ An là phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng, gồm TP. Vinh mở rộng và Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng.
Bên cạnh đó, Nghệ An sẽ thực hiện ba đột phá về chiến lược gồm: hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với cải cách hành chính. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành. Tập trung đầu tư, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển; trong đó, phát triển mạnh hạ tầng giao thông chiến lược, tạo sự kết nối, lan tỏa phát triển.
Cuối cùng, Nghệ An ưu tiên phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người xứ Nghệ. Tập trung giáo dục và đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cũng xác định hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển gắn với trục Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển (là trọng tâm); Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Quốc lộ 7A; Hành lang kinh tế Quốc lộ 48A.
Về phát triển đô thị, Nghệ An tập trung đầu tư 6 trung tâm đô thị gồm đô thị Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), đô thị Diễn Châu, đô thị Đô Lương, đô thị Con Cuông.
Quy hoạch xác định, Nghệ An ưu tiên phát triển 5 ngành, lĩnh vực trụ cột gồm: phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao; phát triển du lịch dựa trên 3 loại hình chính gồm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và thể thao biển và du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh; đặc biệt là phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ.
Tại Hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2023 diễn ra tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An ngày 10/12/2023, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trước đây, Nghệ An có quy hoạch 5 khu công nghiệp và Khu kinh tế Đông Nam. Tuy vậy, trong Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa qua, Nghệ An đã bổ sung mới 21 khu công nghiệp.
“Nghệ An xác định Khu kinh tế Đông Nam là một trong những động lực chính phát triển của tỉnh. Tỉnh đang triển khai lập đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ quy mô hơn 20.000 ha lên 100.000 ha”, ông Trung nói thêm.
Ông Hoàng Minh Đức, Giám đốc Đối ngoại Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt nhìn nhận, với việc dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển từ khu vực phía Bắc vào các tỉnh Bắc Trung bộ, việc mở rộng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An là thực tế khách quan nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Đức, với các thành tựu đã đạt được, cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có “5 sẵn sàng” (sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về hạ tầng kết nối giao thông, sẵn sàng nguồn nhân lực, sẵn sàng đổi mới cải cách hành chính, sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ trong thủ tục đầu tư), thì kinh tế Nghệ An trong tương lai gần sẽ được hưởng lợi từ làn sóng vốn đầu tư nước ngoài được thu hút có chọn lọc, mục tiêu ưu tiên rõ ràng, tập trung thu hút các ngành sản xuất có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện môi trường…
“Bên cạnh đó, các dự án hiện tại khi đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao năng lực của nguồn lao động, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ và các hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ. Chúng tôi tin tưởng rằng, Nghệ An sẽ là trọng điểm thu hút đầu tư của khu vực Bắc Trung bộ trong thời gian không xa”, ông Đức chia sẻ.
Tác giả: Hoài Thanh
Nguồn tin: baodautu.vn