Nhiều năm qua, những cựu giáo viên tại địa bàn huyện miền núi Qùy Hợp, Nghệ An vẫn liên tục đến các cơ quan chức năng để yêu cầu chi trả tiền trợ cấp thâm niên công tác theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên điều trớ trêu thay chỉ vì vướng một Quyết định của tỉnh nhà mà khoản các cô lại bị “gạt” ra ngoài lề.
Nếu chúng tôi không được thì ai xứng đáng hơn?!
Quyết định 52/2013/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ trợ cấp với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu được thực hiện.
Tập thể giáo viên trình bày sự việc với PV. |
Theo Điều 2, và Điều 3 của Quyết định này nêu rõ, Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập).
Điều kiện tính hưởng trợ cấp, Nhà giáo quy định tại Điều 2 Quyết định này được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ các điều kiện sau đây: Có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập từ đủ 05 năm (đủ 60 tháng) trở lên; Nghỉ hưu (kể cả trường hợp chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu) trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1994 đến ngày 31 tháng 5 năm 2011; Đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2012. Trường hợp đang tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.
Đơn đề nghị giải quyết chế độ của tập thể các giáo viên. |
Cho rằng mình hoàn toàn đáp ứng đủ các điều kiện chiếu theo Quyết định của Thủ tướng để được hưởng tiền phụ cấp thâm niên, giáo viên đã nghỉ hưu tại địa bàn huyện Qùy Hợp có thâm niên công tác hàng chục năm đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội, Phòng GD&ĐT huyện trả lời.
Tuy nhiên nhiều năm qua, đã không biết bao nhiêu lần “hành quân” đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng những giáo viên này vẫn chưa nhận được một xu tiền trợ cấp.
Cô Nguyễn Thị Xuân (SN 19955, trú tại xã Nghĩa Xuân, huyện Qùy Hợp), trình bày: “Sau gần 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục, tôi nghỉ hưu vào năm 2005 khi đang công tác tại trường THCS Nghĩa Xuân.
Theo Quyết định 109 của UBND tỉnh Nghệ An. Những khoảng thời gian khó khăn nhất của ngành giáo dục, chúng tôi với đồng lương ít ỏi đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp trồng người. Thậm chí còn được tặng cả Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.
Nếu chiếu theo QĐ 52 của Thủ tướng Chính phủ chúng tôi có xứng đáng được hưởng số tiền phụ cấp thâm niên công tác mà chúng tôi chưa được hưởng trước đó? Nếu chúng tôi không được hưởng thì ai mới là người xứng đáng?".
Cô Nguyễn Thị Phúc cho biết, nhiều trường hợp đi làm cùng thời điểm, nghỉ hưu cùng thời điểm nhưng họ đã nhận được chế độ trợ cấp thâm niên còn cô thì không được. |
Không chỉ riêng cô Xuân, hàng chục cô giáo khác cũng có quá trình cống hiến trên 20 năm vô cùng bức xúc trước việc mình bỗng “rơi” ra và không thuộc diện được hưởng chế độ theo Quyết định của Thủ tướng: “Theo Quyết định của Thủ tướng đã nêu rõ chỉ cần có thời gian công tác đủ 60 tháng, đã nghỉ hưu (kể cả trường hợp chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu) trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1994 đến ngày 31 tháng 5 năm 2011... Chúng tôi có tiêu chuẩn nào không đáp ứng đủ những điều kiện trên mà lại gạch chúng tôi ra khỏi danh sách?
Nếu được truy lĩnh thì số tiền của chúng tôi mỗi người chỉ khoảng 10 - 14 triệu đồng. Tuy nhiên, đó là mồ hôi, nước mắt, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước nên dù đi đến đâu, có phải ra đến Trung ương chúng tôi cũng phải hỏi cho rõ”, nhiều giáo viên đã về hưu bức xúc trong buổi làm việc với phóng viên.
Được biết, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Qùy Hợp, Nghệ An có khoảng 171 trường hợp nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ trợ cấp thâm niên công tác. Những trường hợp này đều thuộc diện nghỉ hưu theo Quyết định 109, nay là Quyết định 68 của UBND tỉnh Nghệ An.
Hơn chục năm nghỉ hưu nhưng các cô vẫn đang đi đòi quyền lợi của mình. |
“Chúng tôi lên UBND huyện hỏi thì họ chỉ sang Phòng GD&ĐT huyện, sau đó lại được hướng dẫn sang Bảo hiểm xã hội ... cứ lòng vòng như thế. Đã rất nhiều lần rồi nhưng vẫn chưa nhận được trả lời thỏa đáng của cơ quan chức năng” - cô Trương Thị Giáp (SN 1954, người có hơn 31 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người) bức xúc.
Bị “rơi” vì vướng Quyết định của tỉnh nhà
Tuy nhiên vì thuộc diện nghỉ theo Quyết định số 109/2002/QĐ-UB, Quyết định số 86/2006/QĐ-UB do UBND tỉnh Nghệ An về việc đánh giá, xếp loại giáo viên và chính sách cho giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, những trường hợp giáo viên nghỉ theo những Quyết định trên của UBND tỉnh Nghệ An không thuộc đối tượng được quy định tại Quyết định 52 của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định 109, 86 do UBND tỉnh Nghệ An ban hành kèm theo bộ tiêu chí đánh giá xếp loại giáo viên và chính sách dành cho giáo viên. Trong khoảng thời gian này chỉ duy nhất tại tỉnh Nghệ An thực hiện chính sách trên với mong muốn là “lá cờ đầu” trong việc cải tổ, nâng cấp chất lượng ngành giáo dục. Những giáo viên không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ được bố trí nghỉ chờ lương hưu, hoặc bố trí công việc khác...
Bà Phạm Thị Xuân mong muốn sớm được giải quyết và trả tiền thâm niên giảng dạy cho cô và hơn 100 giáo viên khác. |
Vì thế, những giáo viên này được bố trí nghỉ do không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ (trong đó có nhiệm vụ giảng dạy) nên không thể coi là vẫn trực tiếp giảng dạy khi nghỉ hưu. Do vậy, trường hợp này không thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 52.
“Lúc đó chúng tôi được động viên để viết đơn xin nghỉ nhưng lại cho thế hệ trẻ, có người nghỉ chờ lương hưu, có người được bố trí công việc khác... Có những người cũng nghỉ theo Quyết định 109, cùng dạy trong một trường, cùng thời gian công tác như tôi sao họ lại được hưởng chế độ còn tôi thì không”, cô Xuân chia sẻ.
Ông Hồ Bình Minh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Qùy Hợp cho biết: Phòng đã nhận được thông tin trên, đồng thời trực tiếp làm việc giải thích. Bên cạnh đó cũng đã có văn bản gửi tỉnh, Sở Nội vụ, Bảo hiểm xã hội tỉnh ... nhưng chưa nhận được văn bản trả lời.
Như vậy chính việc thực hiện Ban hành và thực hiện Quyết định số 109, 86 của riêng địa bàn tỉnh Nghệ An đã "vô tình" đẩy những nhà giáo trên “rơi” khỏi diện được hưởng chế độ theo Quyết định số 52 của Thủ tướng Chính phủ.
Tác giả: Nguyễn Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí