Hiện trên toàn tỉnh Nghệ An có 21 Trung tâm Dân số - KHHGĐ với 141 biên chế đang làm việc tại các trung tâm. Ngoài ra, có 480 người là viên chức Dân số - KHHGĐ làm việc tại xã, phường, thị trấn và khoảng 6.700 cộng tác viên dân số ở các thôn bản. Trước nay các Trung tâm Dân số - KHHGĐ là đơn vị trực thuộc Chi cục Dân số - KHHGĐ, có chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật, truyền thông giáo dục về Dân số - KHHGĐ.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Sở Nội vụ và lãnh đạo các Trung tâm Dân số - KHHGĐ của 21 huyện, thành, thị. Ảnh: Mỹ Hà |
Đề án sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành, thị vào Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh Nghệ An, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới cơ chế hoạt động.
Để việc sáp nhập có hiệu quả, tại hội thảo có nhiều ý kiến được đưa ra, trong đó tập trung vào các vấn đề chính như: tên gọi của trung tâm sau khi sáp nhập; chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm và việc sắp xếp bố trí cán bộ, viên chức sau khi sáp nhập.
Tuyên truyền chính sách dân số cho người dân vùng biển ở phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà |
Xung quanh vấn đề này, một số ý kiến cũng đề nghị: quá trình triển khai sáp nhập cần có tính toán để tránh không ảnh hưởng đến hoạt động dân số ở cơ sở, đặc biệt trong thời điểm công tác dân số Nghệ An còn nhiều khó khăn, thách thức, chưa đạt mức sinh thay thế. Hơn thế, hiện nay, việc sáp nhập chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, của Tổng cục Dân số - KHHGĐ và trên cả nước mới có 2/63 tỉnh thành thực hiện việc sáp nhập nhưng chưa có mô hình thống nhất.
Toàn bộ các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Chi cục Dân số - KHHGĐ tổng hợp và gửi về Sở Y tế để góp ý. Trên cơ sở đó, Sở Y tế sẽ xây dựng đề án để xin ý kiến các ban, ngành liên quan trước khi trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Nghệ An