Du lịch

Cần “cởi trói” cho xe điện 4 bánh trong khu vực hạn chế để kích cầu du lịch

Hiện nay cả nước chỉ có 35 tỉnh, thành được thí điểm sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng (xe điện 4 bánh) phục vụ khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế, trong khi nhu cầu của khách du lịch rất lớn. Việc sớm có chế tài đối với xe điện 4 bánh phục vụ khách du lịch trong Luật Giao thông đường bộ hết sức cần thiết đối với người dân cũng như kích cầu du lịch địa phương.

Xe điện 4 bánh phục vụ du khách tại Khu du lịch Chùa Hương Tích.


Nhu cầu thiết thực

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ có văn bản 518/TTg-CN về việc đồng ý thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng phục vụ khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế. Đến nay cả nước có 35 địa phương được Thủ tướng đồng ý cho thí điểm hoạt động đối với xe điện 4 bánh phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hạn chế.

Tỉnh Hà Tĩnh không nằm trong số 35 tỉnh, thành thí điểm chở khách bằng xe điện. Tuy nhiên, một số khu, điểm du lịch được phép sử dụng xe điện chở khách du lịch như Khu du lịch Chùa Hương Tích (huyện Can Lộc), Resort Quỳnh Viên (huyện Thạch Hà)… Tại đây, xe điện phát huy hiệu quả rất tốt, góp phần kích cầu du lịch.

Riêng tại Khu du lịch Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), xe điện 4 bánh chở khách du lịch không được phép hoạt động nhưng từ năm 2018 có khoảng 80 phương tiện xe điện được người dân địa phương đưa vào khai thác du lịch. Cuối năm 2023, Công an huyện Cẩm Xuyên đã có văn bản yêu cầu các chủ phương tiện xe điện 4 bánh phục vụ khách du lịch ở Thiên Cầm tạm dừng hoạt động. Sau khi xe điện 4 bánh chấm dứt hoạt động, du khách ít có cơ hội khám phá các điểm du lịch, ẩm thực xung quanh Khu du lịch Thiên Cầm. Mặt khác, người dân từng lái xe điện 4 bánh ở Khu du lịch này mất thu nhập.

Anh Hoàng Ngọc Hạnh (thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết: Năm 2018, gia đình anh đầu tư 120 triệu đồng mua xe điện 4 bánh để phục vụ khách du lịch. Nhu cầu sử dụng xe điện ở Thiên Cầm rất lớn, ngoài khám phá biển Thiên Cầm, khi đi xe điện, các đoàn khách còn được tham quan ngọn Hải Đăng, chợ Cồn Gò, Chùa Yên Lạc, cảng cá Cửa Nhượng, mua sắm hải sản… Du lịch biển Thiên Cầm vì thế hấp dẫn du khách hơn. Mặt khác, người dân chúng tôi cũng có thêm thu nhập. Thế nhưng, cuối năm 2024, xe điện 4 bánh bị cấm hoạt động, chúng tôi phải thanh lý xe điện, chuyển sang chạy xe ôm. Khách đi xe ôm rất ít, thu nhập của tôi bị giảm rất nhiều. “Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có quy định cho phép xe điện vận hành vì du khách có nhu cầu rất lớn đối với dịch vụ này”, anh Hạnh nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: Thời điểm đó, nhận thấy cơ hội việc làm có thu nhập khá, khoảng 80 người dân xã Cẩm Nhượng và các xã, thị lân cận bỏ nghề đi biển, đầu tư mua xe điện 4 bánh để làm dịch vụ. Tuy nhiên, năm 2024, cơ quan chức năng yêu cầu chấm dứt hoạt động xe điện 4 bánh tại Khu du lịch Thiên Cầm nên số lao động này phải bán tống bán tháo xe điện để chuyển đổi nghề nghiệp. Một số chạy xe ôm, số khác mở quán nước buôn bán nhỏ ở khu du lịch... Thu nhập của lao động vì thế giảm đi nhiều.

Theo Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, khi được sử dụng xe điện 4 bánh phục vụ du khách đã “kéo” theo kinh tế - xã hội của xã phát triển tốt hơn, du khách đến Cẩm Nhượng tham quan, du lịch tâm linh, mua hải sản… Từ khi ngừng sử dụng xe điện 4 bánh đến nay, kinh tế - xã hội của địa phương ảnh hưởng khá nhiều, lượng hải sản bán ra ít hơn hẳn.

Chị Hoàng Thu Hằng (du khách ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến du lịch ở biển Thiên Cầm chia sẻ: Năm ngoái, tôi đi cùng cơ quan về nghỉ dưỡng ở đây, lúc đấy có xe điện nên khám phá được nhiều điểm du lịch tâm linh, cộng đồng, đặc biệt là đi chợ Cồn Gò mua hải sản tươi sống. Vì thế, nghỉ hè năm nay tôi dẫn cả gia đình về đây để nghỉ dưỡng, thế nhưng không có xe điện nên cả gia đình chỉ nghỉ 1 đêm rồi di chuyển chỗ khác vì ở Thiên Cầm ngoài tắm biển, ăn hải sản thì không biết làm gì nữa. Thật sự rất đáng tiếc…!

Xe điện 4 bánh từng hoạt động tại Khu du lịch Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).


Cần “gỡ khó”

Ông Hoàng Xuân Hướng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Cẩm Xuyên cho biết: Ghi nhận của tôi khi đang làm Trưởng ban quản lý Khu du lịch Thiên Cầm cho thấy, việc xe điện hoạt động đã góp phần kích cầu du khách, biến Thiên Cầm thành Khu du lịch hấp dẫn, sôi động, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Riêng năm 2023, Khu du lịch Thiên Cầm thu hút hơn 50.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng và hầu hết đều sử dụng xe điện 4 bánh để khám phá các điểm du lịch, dịch vụ, ẩm thực xung quanh Khu du lịch Thiên Cầm, du khách rất hài lòng về dịch vụ xe điện.

Hà Tĩnh không thuộc diện được thí điểm sử dụng xe điện 4 bánh phục vụ du khách. Tại các khu du lịch tâm linh như Chùa Hương Tích (huyện Can Lộc) và một số khu, điểm du lịch khác được sử dụng xe điện 4 bánh vì ở đó chỉ sử dụng trong khuôn viên quản lý của đơn vị chủ quản, xe điện 4 bánh không tham gia giao thông ở khu vực khác. Còn tại Khu du lịch Thiên Cầm, xe điện 4 bánh ngoài phục vụ du khách trong Khu du lịch còn tham gia giao thông trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ.

Ngoài Khu du lịch Thiên Cầm thì địa phương này còn có nhiều khu, điểm du lịch cần dịch vụ xe điện 4 bánh phục vụ du khách như Khu du lịch Xuân Thành, biển Thạch Hải, Thạch Bằng, Kỳ Ninh, Kỳ Xuân… Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ chưa có quy định về xe 4 bánh chạy bằng điện và hoạt động vận tải chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế. Vì vậy, việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế, phí liên quan… đều có khó khăn cho cả cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp. Nếu “cởi trói” cho xe điện 4 bánh phục vụ du khách sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư lĩnh vực này, từ đó ngành du lịch sẽ khởi sắc hơn.

Thực tế cho thấy, hoạt động xe 4 bánh chạy bằng điện chở khách tham quan, du lịch đáp ứng nhu cầu cuộc sống và theo xu hướng giao thông xanh. Loại hình phương tiện này bước đầu đã thể hiện được vai trò và những ưu điểm như giúp hạn chế tối đa lượng khí thải ra ngoài môi trường, giảm ô nhiễm tiếng ồn. Xe điện 4 bánh chở người có thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với điều kiện của các khu du lịch tham quan. Khi xảy ra các sự cố bất ngờ trên đường, khả năng hoạt động cũng linh hoạt hơn. Việc đưa vào sử dụng xe điện đã từng bước khắc phục tình trạng “cò mồi”, chèo kéo và đeo bám khách du lịch.

Xe điện 4 bánh cũng giúp cho người dân, khách du lịch có thêm phương án lựa chọn phương tiện đi lại thay vì đi bộ, đi xe xích lô, “xe ôm” hay xe taxi... Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, xe điện 4 bánh cũng cho thấy một số nhược điểm như: hoạt động sai mục đích, sai lộ trình quy định gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã nhiều lần đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất Bộ Giao thông vận tải đưa tỉnh Hà Tĩnh vào danh sách các tỉnh để Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt cho thí điểm chạy xe điện phục vụ khách du lịch trong phạm vị giới hạn cho phép tại các khu, điểm du lịch như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Ngã Ba Đồng Lộc… Thực tế hiện nay, xe điện 4 bánh mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm tại khu vực và một số phạm vi hạn chế, chưa phục vụ được đông đảo nhân dân. Đã đến lúc cần “cởi trói” cho xe điện 4 bánh để phục vụ nhu cầu của người dân, du khách.

Tác giả: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP