Thực trạng khắp nơi trên cả nước phản ánh thiếu giáo viên nghiêm trọng, trong khi nhiều giáo viên giàu kinh nghiệm "cay đắng" bỏ nghề , nhiều sinh viên tốt nghiệp sư phạm không "mặn mà" theo nghiệp bảng phấn đang trở thành vấn đề nhức nhối.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này và giải pháp nào để tháo gỡ là những câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Chính sách ưu tiên không còn đủ "sức hút"
Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội (giai đoạn 1997 -2006) tâm sự, trong giai đoạn trước đây, có một thuận lợi lớn là chất lượng tuyển sinh tăng cao đột biến chưa từng có. Chuẩn đầu vào khoa Toán năm 1997-1998 là 27 điểm 3 môn thi.
Có thể gọi, đó là thế hệ " Vàng 3 con 9" - nguyên liệu đầu vào lý tưởng cho quá trình đào tạo giáo viên chất lượng cao; yếu tố quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo các cấp học, bậc học, vì không thể có chất lượng giáo dục vượt quá chất lượng đội ngũ giáo viên. Logic đó tạo ra hệ quả tất yếu cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội (Ảnh: Tạp chí Giáo dục, Bộ GD&ĐT). |
Theo GS Báo, nguyên nhân của hiện tượng đột biến chất lượng đầu vào sư phạm cao nêu trên là kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có nội dung củng cố, xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Nhiều giải pháp triển khai nội dung này của Nghị quyết đã được thực hiện. Một trong số những giải pháp nổi bật là Nhà nước ban hành chính sách ưu tiên miễn học phí, tăng học bổng cho những người học ngành sư phạm.
Tác động của chính sách ưu tiên đã xóa được quan niệm "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" vốn đã tồn tại một thời gian khá dài.
"Qua đó cho thấy, ngành sư phạm rất nhạy cảm với kích thích của đổi mới chính sách giáo viên. Tôi cho rằng Đảng và Nhà nước nên nắm bắt quy luật đó để xây dựng chiến lược đồng bộ, vừa bền vững, vừa thích ứng linh hoạt; đào tạo, phát triển, sử dụng đội ngũ giáo viên theo lộ trình đổi mới, cải cách giáo dục.
Đó là chìa khóa cho hiện thực hóa triết lý "Giáo dục là quốc sách hàng đầu phát triển đất nước", nhất là ở thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 với đặc trưng là phát triển công nghệ kỹ thuật số", GS Báo nói.
Theo ông, khoảng một thập niên gần đây, chính sách trên đã kém và mất dần hiệu lực như khi mới ra đời. Những năm gần đây, có nhiều câu chuyện đáng buồn như sinh viên không muốn thi vào sư phạm chỉ vì lý do ban đầu là không có việc làm, ra trường "bị ế việc".
Thậm chí, có những sinh viên tốt nghiệp thủ khoa nhưng khi ra trường vẫn không xin được việc đúng nghề sư phạm. Có nhiều trường hợp giáo viên đeo đuổi làm theo hợp đồng, chờ đợi nhiều năm để mong được tuyển dụng biên chế chính thức…
"Nếu có hiện tượng không ít người muốn có cơ hội hành nghề giáo nhưng không được tuyển do không có chỉ tiêu biên chế, thì có thể thấy chính sách ưu tiên như trên hiện không còn đủ ngưỡng kích thích nhiều người, đặc biệt người giỏi vào học nghề sư phạm.
Thậm chí, sau nhiều năm trong nghề, một số giáo viên bỏ nghề để tìm việc khác dẫn đến tình trạng ngược lại: từ việc gian nan phấn đấu xin được tuyển dụng biên chế làm giáo viên, nay lại xin bỏ nghề. Điều này khiến cho ngành giáo dục bị thiếu giáo viên trầm trọng về số lượng và không đồng bộ về cơ cấu nhân lực dạy học các môn học, trình độ đào tạo phù hợp theo cấp học", GS Báo nhấn mạnh.
Cô trò trường PTDT Bán trú Tiểu học Hà Đông, xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, Gia Lai trong một tiết học (Ảnh: Phạm Hoàng). |
Giải bài toán thiếu giáo viên thế nào?
GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng, cần tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Liệu có tồn tại song song 2 hiện tượng trái ngược nhau: ngành giáo dục thiếu giáo viên, trong khi sinh viên tốt nghiệp sư phạm "ế việc" không?
Thiếu do không có nguồn để tuyển, hay có nguồn nhưng họ không chịu vào? Thiếu do nhiều giáo viên xin bỏ việc hay thiếu do không có chỉ tiêu tuyển dụng, do tinh giản biên chế một cách cơ học?
Những câu hỏi này cần được khảo sát làm rõ mới có thể hiểu cặn kẽ nguyên nhân làm nảy sinh vấn đề.
"Tình trạng mâu thuẫn trên phải chăng do Nhà nước chưa có quy hoạch dài hạn được thiết kế dựa trên nghiên cứu, dự báo một cách hệ thống, đồng bộ, có tính đến nhiều biến động phức tạp?
Cụ thể như: biến động dân số về số lượng, về cơ cấu dân cư theo vùng miền địa lý; đổi mới hệ thống giáo dục đáp ứng mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh nhiều biến động, do tác động toàn cầu hóa, phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ;...", GS Báo đặt câu hỏi.
Theo ông, giải quyết được bài toán quy hoạch theo định hướng trên để xây dựng chính sách kích thích đủ ngưỡng mới có thể thu hút được người giỏi để đào tạo, bồi dưỡng; phát triển được đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và có chất lượng cao, bền vững.
"Kích thích đủ ngưỡng" ở đây là đảm bảo sinh viên sư phạm có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức lương đủ sống, không quá thấp so với mặt bằng xã hội.
GS Báo nhấn mạnh, hiện nay, chính sách của Nhà nước trợ cấp khoảng 3,6 triệu đồng một tháng cho sinh viên ngành sư phạm đã tác động tích cực đến chất lượng và số lượng người thi vào ngành này. Nếu khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên có việc làm với mức lương hợp lý, chắc chắn sẽ có đội ngũ nhà giáo chất lượng cao.
Ông cũng đưa ra dẫn chứng, các nước tiên tiến trên thế giới rất chú trọng tới chế độ lương bổng của giáo viên. Chính vì có chế độ lương bổng tốt nên chỉ tiêu tuyển sinh vào trường sư phạm bao giờ cũng là những học sinh thuộc top đầu của chất lượng giáo dục phổ thông.
Từ kinh nghiệm của các nước, giải pháp căn cơ nhất vẫn phải là thu hút được nhiều người giỏi vào sư phạm để trở thành giáo viên. Muốn như vậy, phải cải thiện chế độ ưu tiên lương bổng cho giáo viên.
"Theo kinh nghiệm từ các nước, những vấn đề của ngành khác có thể theo cơ chế thị trường. Nhưng riêng với đội ngũ giáo viên, Nhà nước luôn quản lý theo một quy hoạch rất chặt chẽ.
Người ta thường khảo sát nhu cầu đào tạo, rồi từ nhu cầu ấy bắt đầu tuyển dụng theo số lượng và cơ cấu, cải thiện về chế độ lương. Nếu quy hoạch rõ ràng như vậy, chắc chắn sẽ giảm thiểu được tình trạng "lúc thì thừa, lúc thì thiếu" giáo viên", GS.TS Đinh Quang Báo cho hay.
Học sinh bản Ón, xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) tới trường học (Ảnh: BM). |
Cần khẩn trương tuyển dụng, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Trong Chỉ thị về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo giáo viên; có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm, tạo môi trường, hệ sinh thái giáo dục phát triển lành mạnh, bình đẳng,...
Đồng thời, nghiên cứu đề xuất chính sách ưu tiên cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, những khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, bảo đảm hợp lý, không dàn trải.
Trước tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là Chương trình GDPT 2018, chỉ thị nêu rõ, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ hàng năm bảo đảm về số lượng và chất lượng.
Đồng thời, ngành phải có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình GDPT 2018.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ trên cơ sở đề xuất của Bộ GD&ĐT về số lượng thừa, thiếu giáo viên của từng trường, từng cấp học, môn học, rà soát cơ chế, chính sách phân bổ biên chế giáo viên phù hợp hiệu quả; tuyển dụng theo lộ trình sát thực tiễn, trong đó ưu tiên những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 116 ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Bên cạnh đó, rà soát, tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học, nhất là với các môn học mới để có phương án bố trí nguồn lực và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên hàng năm của địa phương.
Về phía UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ tướng yêu cầu xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyển dụng số biên chế được giao nhưng chưa tuyển dụng và số biên chế được giao bổ sung. Thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức, cần có các giải pháp hợp đồng giáo viên phù hợp với đặc điểm từng cơ sở giáo dục, từng địa phương.
Mới đây, trao đổi với PV Dân trí, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ ngành liên quan trong việc rà soát, đề xuất bổ sung biên chế còn thiếu cho ngành giáo dục. Trên cơ sở đề xuất, Bộ Chính trị đồng ý bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non vào năm 2020 và mới đây đã ban hành Quyết định về biên chế các cơ quan giai đoạn 2022-2026. Theo đó, cả nước bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 - 2026. Riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Đây là kết quả rất tốt trong việc phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ ngành để tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Bên cạnh đó, để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác trong ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng"; Tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác. Đồng thời, Bộ chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương (hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ về nhà công vụ, hỗ trợ học tập, nâng cao trình độ…); Xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác. Có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. |
Tác giả: Nguyễn Liên
Nguồn tin: Báo Dân trí