Tin trong tỉnh

Cần xử lý dứt điểm sai phạm trong khai thác cát trên sông Lam

Thời gian gần đây, nhiều vụ vi phạm trong khai thác cát trên sông Lam (Nghệ An) được được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, để chấm dứt hoàn toàn tình trạng trên, đòi hỏi cần có sự vào cuộc tích cực của lực lượng liên ngành…

Nhức nhối tình trạng sạt lở

Nhiều tháng nay, tình trạng sạt lở bờ sông Lam đoạn qua các xã như: Long Xá, Hưng Lĩnh huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An diễn ra nghiêm trọng. Cách khu vực sạt lở không xa về phía thượng nguồn, hàng loạt xà lan lớn, nhỏ đang bơm hút cát từ dưới lòng sông lên. Theo người dân địa phương, việc khai thác cát quá mức, khai thác cát trái phép chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở.

Hai bờ sông Lam bị sạt lở nghiêm trọng, một phần nguyên nhân được cho là từ khai thác cát quá mức, khai thác cát trái phép.

Theo số liệu thống kê, UBND tỉnh Nghệ An vừa xử phạt 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng đối với Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành (có trụ sở đóng tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn) vì hành vi khai thác cát vượt mức. Đây là một trong những hợp tác xã có nhiều xà lan khai thác cát nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hợp tác xã này hiện có tới 53 xà lan, được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn qua các xã Khánh Sơn, Tân Thượng Lộc…

Nhưng gần đây, khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh vào cuộc kiểm tra thực tế đồng thời đối chiếu với hóa đơn thuế, mới phát hiện trong năm 2020, Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành đã khai thác vượt 80,8% công suất cho phép. Còn năm 2021 thì vượt 171,6% công suất được phép khai thác hằng năm. Hay với Công ty cổ phần Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương (có trụ sở đóng tại huyện Thanh Chương), được cấp phép 3 mỏ trên sông Lam đoạn qua các xã Võ Liệt, Thanh Chi và Đồng Văn.

Ngoài ra, toàn bộ 15 bến bãi tập kết kinh doanh cát sỏi trên địa bàn huyện Thanh Chương đều thuộc sở hữu của công ty này. Qua thanh tra, phát hiện năm 2020, công ty này khai thác cát vượt mức cho phép 211,2%. Còn năm 2021, công ty này cũng vượt 208,6% công suất được phép khai thác hằng năm. Công ty này sau đó cũng đã bị xử phạt 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng.

Cũng nằm ven sông Lam, tại huyện Đô Lương gần đây cũng xảy ra tình trạng khai thác cát vượt mức cho phép. Cụ thể, vào tháng 9/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Hoàng Nguyên 300 triệu đồng vì hành vi khai thác vượt công suất được phép khai thác hằng năm. Công ty này được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn từ xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương tới xã Cát Văn, huyện Thanh Chương.

Công suất được phép khai thác cát hằng năm của công ty này là 23.920m3. Tuy nhiên, qua kiểm tra, trong năm 2021, công ty này đã khai thác 30.751,5m3, vượt 28,5% công suất, với khối lượng vượt là 6.831m3. Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh cũng buộc Công ty TNHH Hoàng Nguyên phải thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra.

Cần tăng cường quản lý nhà nước

Nói về vấn đề quản lý nhà nước trên lĩnh vực khai thác cát sỏi dọc tuyến sông Lam, lãnh đạo huyện Thanh Chương thừa nhận có tình trạng khai thác cát trái phép cũng như khai thác cát ngoài điểm mỏ được cấp phép. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm địa phương này xử phạt hơn 1 tỷ đồng vì những vi phạm này. Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Đàn cũng cho biết, chúng tôi chỉ kiểm soát việc khai thác trong mỏ hay không. Còn để kiểm soát được tình trạng khai thác quá công suất, trữ lượng thì cần sự vào cuộc lực lượng liên ngành.

Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Khánh Dũng, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An) cho biết: Trong năm 2022, Đội CSGT đường thuỷ cũng đã phát hiện 12 vụ khai thác cát trái phép, thu giữ 12 tàu vỏ sắt, 268m3 cát và một vụ khai thác cát sỏi ngoài giờ quy định. Tuy nhiên, đơn vị chỉ quản lý phương tiện, không quản lý bến bãi và điểm mỏ nên rất khó kiểm soát.

Tại huyện Đô Lương, một cán bộ quản lý lĩnh vực này cho biết, trên thực tế một số doanh nghiệp cũng có lắp camera và bố trí cân trọng tải, tuy nhiên chỉ là để đối phó với đoàn kiểm tra. Để giám sát được, lắp camera và cân trọng tải thôi chưa đủ, mà còn phải kết nối hệ thống camera đó với phía Công an và Chi cục Thuế. Tuy nhiên, giải pháp này đến nay chưa được triển khai.

Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành kế hoạch về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương xác định rõ nhiệm vụ chủ trì và nhiệm vụ phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, làm cơ sở để thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế và nguồn thu cho ngân sách nhà nước…

Bên cạnh đó, kiểm tra, xử lý dứt điểm việc thực hiện lắp đặt camera, trạm cân của các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khai thác, kinh doanh bến, bãi tập kết khoáng sản cát, sỏi; nghiên cứu quy định về việc kết nối dữ liệu camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu của các đơn vị khai thác với cơ quan Thuế, cơ quan quản lý tài nguyên để giám sát sản lượng khai thác tại mỏ.

Kiểm soát chặt chẽ hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ để ngăn chặn tình trạng hợp thức hóa khoáng sản trái phép, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản chưa được cấp phép. Có quy chế phối hợp giữa cơ quan Thuế với ngành Công an, Cục Quản lý thị trường để xử lý các trường hợp vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép… góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tác giả: Hải Việt

Nguồn tin: cand.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP