Tin trong tỉnh

Cảnh báo tình trạng lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động

Văn phòng công ty xuất khẩu lao động 3 không (không nhân viên, không máy móc, không giao dịch) tiếp nhận hồ sơ của hàng trăm người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) với số tiền hàng chục tỷ đồng, nhưng lại không thể đưa bất cứ một công dân nào xuất cảnh.

Dùng mạng xã hội “câu” người lao động

Ông Nguyễn Văn Chương, bà Nguyễn Thị Lương và anh Nguyễn Như Hóa trú tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc là họ hàng thân thích. Cả ba người này đều là nạn nhân trong vụ án lừa đảo XKLĐ do đối tượng Trần Thị Thủy tạm trú tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên chủ mưu, cầm đầu. Số tiền mà họ bị chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng.

Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt tạm giam đối với Trần Thị Hằng Nga.

Không những thế, khi làm thủ tục vay vốn cho người thân đi XKLĐ, họ còn bị Trần Thị Thủy dụ dỗ cầm luôn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với lý do thế chấp ngân hàng mà không hề có bất cứ giấy tờ pháp lý nào để xác nhận.

Mặc dù không có công ăn việc làm ổn định, không có bằng cấp, nhưng Trần Thị Thủy lại thông tin tới các bị hại bản thân là luật sư nhằm tạo niềm tin để lừa đảo đi xuất khẩu lao động ở Úc, Anh, Mỹ với giá rẻ rồi chiếm đoạt tiền của nhiều người.

Đáng nói, vì tin tưởng nên nhiều nạn nhân không chỉ mất tiền cá nhân mà còn giới thiệu cho Thủy người thân trong gia đình, họ hàng. Anh Nguyễn Như Hóa cho biết, anh đã giới thiệu 12 người là chị, em ruột, con cô, con cậu trong gia đình mình cho Thủy và bị lừa tổng số tiền là 1,8 tỷ.

Cũng giống như những địa phương miền xuôi, tại các huyện miền núi, tình trạng lừa đảo XKLĐ với chiêu bài “Việc nhẹ lương cao” diễn ra khá nhiều.

Gia đình bà Đậu Thị Quế ở xóm Kẻ Móng, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu đã phải bán đi tài sản cuối cùng và vay mượn thêm để có số tiền hơn 150 triệu đồng chuộc con trai sinh năm 1997 bị lừa đưa sang Myanma làm việc. Cùng đi với con trai bà Quế còn có 3 người ở cùng xóm cũng bị lừa và gia đình cũng phải chuyển đủ tiền sang thì con họ mới được thả về.

Đối tượng Trần Thị Thủy tại Cơ quan Công an.

Bà Đậu Thị Quế nhớ lại thời điểm giữa năm 2023 khi con trai của bà điện thoại về nhờ mẹ gửi qua số tiền gần 200 triệu đồng để “chuộc” con về, bà Quế nghẹn ngào: “Lúc cháu điện về tôi cũng có nói mẹ còn nợ 500 triệu ngân hàng, vay mô ra nữa. Sau đó, ông nhà bảo, thôi ta còn có vạt keo non đem bán đi, ta cứu con về, Không hắn (nói các ông chủ người nước ngoài) lại bán con mình đi công ty khác rồi đánh đập hay không tìm được con. Sau đó, gia đình mới bán vạt keo, trong vòng 1 tuần, chuyển 160 triệu để cứu con về”.

Những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo XKLĐ

Sau nhiều lần được người môi giới thông tin là đã có lịch bay đi New Zealand làm việc mà vẫn không thành công, anh Lê Viết Mạnh ở khối 6, thị trấn Hưng Nguyên mới biết mình bị lừa và viết đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

Trong vụ việc này, đối tượng lừa đảo tinh vi đến mức làm giả cả visa và vé máy bay để lấy đủ số tiền 519 triệu của người lao động. Tưởng sắp được đổi đời, gia đình anh Mạnh đã thế chấp nhà cửa, vay ngân hàng 550 triệu đồng để đi XKLĐ.

Giờ đây, tiền mất, nợ nần thì chồng chất. Anh Lê Viết Mạnh giải thích lý do đóng 550 triệu cho người môi giới để đi XKLĐ:“Họ bảo không phải học tiếng hay học nghề chi cả, sang làm thợ sơn 1 tiếng 28 đô la, một tháng thu nhập 50-70 triệu, thấy như thế cũng khỏe, thu nhập cao mà lại đi nhanh nên em cũng tin tưởng”.

Điều đáng nói, trong vụ án này, người môi giới cho Lê Viết Mạnh là bà Nguyễn Thị Kim Thoa ở TP. Vinh cũng là nạn nhân. Bà Thoa nhận tiền, hồ sơ của nhiều công dân có nhu cầu đi XKLĐ sau đó đã chuyển cho Trần Thị Hằng Nga, sinh năm 1984, trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An để Nga làm thủ tục cho lao động.

Các hình ảnh về visa, vé máy bay đều là hình ảnh mà Nga chuyển tới chị Thoa sau đó chuyển tiếp tới người lao động. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa (phường Quán Bàu, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Tôi gửi tại bà Nga hơn 6 tỷ đồng, tất cả hồ sơ rơi vào tầm từ 100 đến 150 bộ”.

Ngày 19/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Hằng Nga về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (dưới hình thức nhận tiền, hồ sơ làm thủ tục đi xuất khẩu lao động nước ngoài).

Quá trình xác minh, điều tra, cơ quan điều tra phát hiện không chỉ có chị Nguyễn Thị Kim Thoa mà còn nhiều công dân khác làm môi giới chuyển tiền và hồ sơ cho Nga để làm thủ tục du lịch, XKLĐ.

Với chiêu bài: “Giá rẻ, tỷ lệ thành công cao, rất ít trường hợp trượt”, từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, hơn 500 công dân có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động các nước Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Canada, Hoa kỳ... đã được giới thiệu và gửi hồ sơ cho Nga để làm thủ tục. Tổng số tiền Nga nhận từ công dân có nhu cầu đi XKLĐ là hơn 20 tỷ đồng.

Đối tượng Trần Quốc Việt.

Trở lại với vụ việc mà con trai bà Đậu Thị Quế ở xóm Kẻ Móng, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu cùng 3 lao động khác trong xã bị lừa sang Myanma làm việc. Công an huyện Quỳ Châu đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan phá thành công chuyên án "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép", và bắt giữ đối tượng Trần Quốc Việt (sinh năm 1993), trú tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu.

Đối tượng Trần Quốc Việt đã “vẽ” lên một viễn cảnh “việc nhẹ, lương cao” từ đó lợi dụng, lôi kéo người dân thành lập các nhóm trốn đi nước ngoài lao động trái phép.

Người dân cảnh giác đề phòng

Thời gian qua, các vụ án, vụ việc liên quan đến lừa đảo XKLĐ luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội, do số lượng lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài rất nhiều, trong đó có Nghệ An.

Công an tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh với tội phạm này, trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị, địa phương Công an tỉnh đã đấu tranh, bắt giữ hàng chục đối tượng phạm tội liên quan tới tội phạm lừa đảo, trong đó nhiều vụ việc liên quan trực tiếp đến lừa đảo XKLĐ.

Theo Thượng tá Nguyễn Thành Nhân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay thủ đoạn lừa đảo XKLĐ ngày càng phức tạp và tinh vi hơn, thiệt hại từ các vụ án lừa đảo cũng nghiêm trọng và phức tạp hơn.

“Bên cạnh việc chủ động đấu tranh với loại tội phạm này của cơ quan chức năng thì điều quan trọng nhất là người dân có nhu cầu XKLĐ cần tìm đến địa chỉ các cơ quan, công ty có đầy đủ thẩm quyền, chức năng đưa người đi xuất XKLĐ đã được cấp phép để được hướng dẫn, tư vấn, tránh tình trạng ham rẻ để rồi tiền mất, tật mang”.

Tác giả: Gia Ân- Hậu Hoa

Nguồn tin: congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP