Số hóa

Cảnh giác trò "khủng bố" đòi nợ dịp cận Tết

Kẻ gian liên tục thay đổi phương thức và chiêu trò nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Người dùng cần hết sức cảnh giác, tránh sập bẫy của những đối tượng này.

Vài ngày trước, anh Trần Đức Khiêm - một nhân viên văn phòng tại quận 8, TPHCM, bất ngờ nhận được một tin nhắn đòi nợ với khoản tiền 3,5 triệu đồng. Trong phần nội dung được gửi đến, tin nhắn còn đe dọa sẽ tung thông tin cá nhân của anh và gia đình lên các phương tiện truyền thông xã hội.

Tin nhắn đòi nợ mà các đối tượng lừa đảo gửi đi (Ảnh: NVCC).

Anh Khiêm khẳng định bản thân không vay nợ bất cứ ai hay tổ chức tín dụng nào. Đồng thời, số điện thoại và số căn cước công dân ghi trong tin nhắn cũng không chính xác. Tuy vậy, mỗi ngày trôi qua, anh đều bị "khủng bố" bởi hàng loạt cuộc gọi, tin nhắn đe dọa.

"Tôi hoàn toàn không vay nợ bất cứ khoản tiền nào. Những thông tin về số điện thoại hay căn cước công dân cũng không chính xác. Tuy nhiên, ngày nào cũng có số điện thoại lạ gọi điện đến và làm phiền tôi. Tôi đã cố gắng giải thích nhưng hoàn toàn không có tác dụng", anh Khiêm chia sẻ.

Anh Khiêm không phải là trường hợp duy nhất bị tấn công bởi trò lừa đảo đòi nợ "khủng bố" trên. Trước đó không lâu, chị Thanh Huyền (sống tại Hà Nội) cũng trở thành nạn nhân của chiêu trò này.

Cụ thể, những đối tượng lừa đảo sẽ bất ngờ gửi thông báo đòi nợ đến nạn nhân với một hợp đồng cho vay ảo. Đáng chú ý, chúng nắm rất rõ các thông tin cá nhân của nạn nhân cũng như người nhà hoặc các mối quan hệ của họ.

Thậm chí, trong một số trường hợp, đối tượng lừa đảo còn lập ra rất nhiều tài khoản Facebook giả danh và nhắn tin cho những người mà nạn nhân thường tương tác, nhằm gây áp lực và buộc họ phải trả khoản nợ mà bản thân không hề vay.

Các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn xuất hiện ngày càng nhiều dịp cận Tết (Ảnh minh họa).

Để đối phó với tình trạng trên, trước hết người dân cần hết sức bình tĩnh, không để những đối tượng lừa đảo có cơ hội đe dọa và không làm theo yêu cầu của những đối tượng này.

Bên cạnh đó, khi nhận được các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi), gửi phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý hoặc cung cấp bằng chứng cho các cơ quan chức năng.

Có thể thấy, kẻ gian đã liên tục thay đổi phương thức và chiêu trò nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Người dùng cần hết sức cảnh giác, tránh sập bẫy của những đối tượng này. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động bảo vệ các thông tin cá nhân, tránh bị kẻ gian lợi dụng và khai thác, từ đó thực hiện các hành vi lừa đảo.

Tác giả: Thế Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP