Tập đoàn Cienco4 vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT liên quan việc ảnh hưởng phân lưu trên tuyến Quốc lộ 1 và đề xuất quyền thu phí, thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu và Diễn Châu-Bãi Vọt.
Tập đoàn Cienco4 vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT liên quan việc ảnh hưởng phân lưu trên tuyến Quốc lộ 1 và đề xuất quyền thu phí, thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu và Diễn Châu-Bãi Vọt. |
Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4, Bộ GTVT đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam theo hình thức PPP; trong đó đơn vị này đã tham gia đấu thầu và trúng sơ tuyển tại hai dự án Nghi Sơn-Diễn Châu và Diễn Châu-Bãi Vọt.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Chính phủ đã có chủ trương đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị sau khi việc xây dựng hoàn thành sẽ nhượng quyền khai thác với 8 dự án để thu hồi vốn nộp ngân sách Nhà nước.
Hiện Tập đoàn Cienco4 đã thực hiện đầu tư và đang thu phí hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa)-Cầu Giát (Nghệ An) và dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy-tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh theo hình thức BOT.
Trạm BOT Bến Thủy hoàn vốn cho dự án mở rộng QL1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh TP.Hà Tĩnh do Cienco4 làm nhà đầu tư. |
“Việc đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam sẽ phân lưu, ảnh hưởng đến phương án tài chính hoàn vốn của các dự án BOT này. Trong trường hợp áp dụng hình thức nhượng quyền thu phí, Cienco4 đề nghị Bộ GTVT xem xét đến việc ảnh hưởng đến hợp đồng BOT đối với các dự án trên QL1 để đảm bảo phương án hoàn vốn cho các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn” ông Huỳnh đề xuất.
Khẳng định Cienco4 là đơn vị đã có nhiều năng lực, kinh nghiệm trong thi công cũng như đầu tư, vận hành, khai thác các dự án BOT giao thông, Tập đoàn này mong muốn Bộ GTVT xem xét tạo điều kiện cho đơn vị được tham gia thi công và quyền thu phí hai dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu và Diễn Châu-Bãi Vọt.
Hoàn thành GPMB cao tốc Bắc-Nam đạt gần 70%
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay, các địa phương nơi 11 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi qua đã giải phóng mặt bằng được 454,1km, đạt 69,5% toàn tuyến.
Tại cuộc họp về tiến độ dự án cao tốc Bắc-Nam vào đầu tháng Tư vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đối với 8 dự án PPP (hợp tác công tư) cao tốc Bắc-Nam phía Đông, trong khi chờ chủ trương của Quốc hội về việc chuyển đổi hình thức đầu tư, các dự án vẫn phải tuân thủ đúng các chỉ đạo trước đây.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay, các địa phương nơi 11 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi qua đã giải phóng mặt bằng được 454,1km, đạt 69,5% toàn tuyến. |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban Quản lý dự án cần sớm kết thúc công đoạn sơ tuyển nhà đầu tư, hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu, mẫu hợp đồng theo hình thức PPP.
Mặt khác, các Ban Quản lý cần khẩn trương xác định số lượng gói thầu và đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, hệ thống đường công vụ...để khi Quốc hội chấp thuận chủ trương chuyển đổi đầu tư, Chính phủ ban hành nghị quyết là khởi công ngay các dự án cao tốc Bắc-Nam trong tháng 8/2020.
Trước đó, sáng 10/4, trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách thời gian tới tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công. Hai Bộ trưởng cũng ủng hộ chỉ định thầu dự án giao thông cấp bách, trong đó là 8 dự án của đường cao tốc Bắc Nam phía Đông.
Chính phủ và các Bộ, ngành đã đồng ý chuyển 8 dự án cao tốc Bắc-Nam và cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ sang đầu tư công |
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án thuộc đường cao tốc Bắc-Nam phía đông (8 dự án) từ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện để đẩy mạnh đầu tư công nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Triển khai hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương thực hiện ngay các dự án theo quy định dự án đầu tư công khẩn cấp của Luật Đầu tư công; hoàn thành các thủ tục đầu tư, bảo đảm khởi công trong tháng 8-9 năm nay, các dự án cao tốc Bắc- Nam ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận.
Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nhà thầu có thể thực hiện 2 dự án này không nhiều, do đó cần thiết chỉ định cho làm luôn. Trong quá trình đó hoàn thiện hồ sơ chỉ định thầu, giao thầu, đồng thời tiếp tục hoàn thiện dự toán, đơn giá và kiểm soát chặt.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cam kết bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công.
“Tại thời điểm này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần có quyết định bứt phá, theo lệnh khẩn cấp”, ông Dũng kiến nghị./.
Tác giả: Phi Long
Nguồn tin: Báo VOV